Nhiều điểm lưu ý doanh nghiệp về thuế quan và xuất xứ khi thực hiện RCEP

Ngày 31/3, tại hội thảo “RCEP- Thách thức & Cơ hội” do Cục Hải quan TPHCM và Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức, các cơ quan quản lý đã lưu ý doanh nghiệp nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực thuế quan và xuất xứ hàng hóa.

Hải quan TPHCM cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. 	Ảnh: T.H
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế từ hiệp định RCEP. Ảnh: T.H

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp, trong thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM và VLA đã phối hợp phổ biến nhiều chính sách mới, cũng như kiến nghị những chính sách chưa phù hợp để hoạt động XNK ngày một thuận lợi hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, trị giá hải quan đã thực hiện theo trị giá GATT. Để hưởng thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), doanh nghiệp phải đảm bảo về nguyên tắc xuất xứ, chứng minh với cơ quan quản lý nhà nước được hưởng ưu đãi đặc biệt.

Lưu ý các nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực thuế quan, ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TPHCM cho biết, ngày 18/2/2022 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 05/2022/ TT-BCT hướng dẫn quy tắc xuất xứ RCEP, có hiệu lực 4/4/2022. Theo thống kê, trên 70% lượng hàng nhập khẩu vào Việt Nam là từ RCEP nên RCEP là nguồn cung nguyên vật liệu chính cho kinh tế Việt Nam.

Theo đó, cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu: Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định Thông tư 05/2022/TT-BCT.

Cơ chế chứng nhận hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, doanh nghiệp đảm bảoi nộp một trong các chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa: C/O được cấp bởi cơ quan, tổ chức cấp C/O theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Thông tư 05/2022/TT-BCT; chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành theo quy định tại Điều 20 và Điều 22 Thông tư 05/2022/TT-BCT.

Ông Thiện cũng lưu ý doanh nghiệp những sai sót nhỏ, theo đó, cơ quan Hải quan của nước thành viên nhập khẩu sẽ bỏ qua những khác biệt hoặc sai sót nhỏ, chẳng hạn như sự khác biệt nhỏ giữa các chứng từ, thiếu sót thông tin, lỗi đánh máy hoặc những sai lệch so với lĩnh vực được chỉ định, miễn là những khác biệt hoặc sai sót nhỏ này không gây nghi ngờ về xuất xứ của hàng hóa.

Trường hợp, miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Trị giá hải quan của lô hàng nhập khẩu không vượt quá 200 USD hoặc số tiền tương đương bằng đơn vị tiền tệ của nước thành viên nhập khẩu hoặc bất kỳ số tiền nào cao hơn mà nước thành viên nhập khẩu có thể thiết lập; hoặc hàng hóa thuộc diện miễn yêu cầu từ nước thành viên nhập khẩu, với điều kiện rằng việc nhập khẩu không phải là một chuỗi liên tiếp hoặc được lên kế hoạch với mục đích trốn việc tuân thủ quy định của nước thành viên nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.

Ngoài ra, tại hội thảo chuyên gia thuộc Bộ Công Thương đã cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về tiến trình và cam kết gia nhập RCEP, đánh giá tác động khi Hiệp định đi vào thực thi. Đặc biệt, những điểm mới, khác biệt thuế, lần đầu được 7/15 nước áp dụng được đánh giá sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình thực thi cả từ phía doanh nghiệp, tổ chức cấp C/O và Hải quan nước xuất khẩu…

Tại hội nghị, đại diện Cục Hải quan TPHCM và Cục XNK, Bộ Công Thương đã giải đáp nhiều vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thuế quan và xuất xứ hàng hóa về thời hạn cấp, hiệu lực C/O, biểu thuế ưu đãi RCEP...

Lê Thu

Nguồn:Haiquanonline.com.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/