Đổi mới kiểm tra chất lượng hàng hóa giúp minh bạch thông tin

Với những điểm cải cách nổi bật tại dự thảo Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu, như cải cách quy trình, chuyển đổi phương thức kiểm tra, gia tăng đối tượng miễn kiểm…, vấn đề minh bạch, công khai thông tin về kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu, của cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất được chú trọng.

Thông tin hiện nay chưa được kết nối liên tục

Theo Ban soạn thảo, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều quy định về vấn đề công khai, minh bạch thông tin. Trong đó Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa có nhiệm vụ “Bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”; Tại khoản 3 Điều 5 quy định “Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng”.

Hay tại Điều 25 Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định cơ quan kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm “Bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; bảo mật kết quả kiểm tra theo quy định của pháp luật”.

Thực tiễn hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước đang sử dụng Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

Tính đến 31/1/2020, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã kết nối thủ tục với 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành, với trên 2,8 triệu hồ sơ của trên 35.000 doanh nghiệp. Theo Quyết định 1254/QĐ-TTg và Nghị định 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đến hết năm 2020 sẽ có trên 250 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh sẽ thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Về phía cơ quan Hải quan, hệ thống thông quan tự động và các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi đã được triển khai từ 2014 cho tất cả các cục hải quan trên toàn quốc. Hiện 99% tờ khai hàng hóa đã được làm thủ tục và thông quan trên hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan.

Như vậy, có thể nói công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, bao gồm cả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ quan nhà nước bước đầu đã được tự động hóa, điện tử hóa. Đây là tiền đề quan trọng, tạo nền tảng về mặt công nghệ thông tin, dữ liệu, hồ sơ điện tử cũng như công cụ để chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới.

Mặc dù vậy, theo Ban soạn thảo, thông tin quản lý và hồ sơ điện tử trên các hệ thống quản lý vẫn chưa được kết nối và xâu chuỗi liên tục. Vẫn có sự gián đoạn nhất định giữa bước thông quan của cơ quan Hải quan với việc thực thi công tác quản lý chuyên ngành của các cơ quan nhà nước khác. Cụ thể, cơ quan Hải quan chỉ nhận được kết quả kiểm tra của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành thông qua việc kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với hệ thống thông quan tự động của cơ quan Hải quan. Các hồ sơ trước đó cơ quan Hải quan không tham chiếu được một cách tự động. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự với cơ quan quản lý nhà nước khác khi các cơ quan này không kết nối tự động để có được dữ liệu thông quan đối với hàng hóa thuộc đối tượng mà họ chịu trách nhiệm quản lý. Như vậy có nghĩa các thông tin quản lý nhà nước hiện có không được xâu chuỗi để đảm bảo tính liên tục và nhất quán, đang được chia sẻ rời rạc, chưa kịp thời, thậm chí chưa đầy đủ.

Liên kết dữ liệu

Vấn đề trên sẽ được khắc phục khi chuyển đổi mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu theo hướng: Đơn giản hóa, thống nhất quy trình, thủ tục kiểm tra; áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng (từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm); mở rộng đối tượng miễn kiểm tra; nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp...

Để thực hiện được mô hình này, vấn đề kết nối, chia sẻ, xâu chuỗi thông tin là rất cần thiết. Vấn đề này sẽ được kế thừa nền tảng hạ tầng, dữ liệu công nghệ thông tin hiện nay và có sự nâng cấp trong thời gian tới.

Việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới hiện có nhiều thuận lợi. Theo Ban soạn thảo, trong ngắn hạn và trung hạn, thủ tục hành chính liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi đề án còn chưa thay đổi về thành phần hồ sơ, yêu cầu thông tin, hoàn toàn có thể tận dụng được các chức năng tiến nhận hồ sơ điện tử đã được thiết kế trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, đồng thời có thể tận dụng cơ sở dữ liệu trên 2,8 triệu hồ sơ của trên 35.000 doanh nghiệp đã làm thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia từ năm 2014 tới nay làm nền tảng để phân tích, đánh giá rủi ro phục vụ phân luồng kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, kế thừa cơ sở dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành.

Song song, Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro cần nâng cấp để bổ sung các tính năng mới như hỗ trợ doanh nghiệp xác định hàng hóa có thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành hay không; hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn mà hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; lấy mẫu, giao nhận mẫu và quản lý mẫu…

Ban soạn thảo nhận định, thông qua việc minh bạch, công khai thông tin kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu, đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin sẽ khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, mặt khác giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu (thuộc các mức độ: chặt, thông thường, giảm) để từ đó chủ động trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa của mình.

Về phía người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo được tiêu dùng những sản phẩm, hàng hóa chất lượng, đồng thời phối hợp cùng cơ quan chức năng giám sát hàng hóa đó trong quá trình lưu thông trên thị trường, giám sát hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý, thông tin về chất lượng hàng hóa nhập khẩu phục vụ việc tổ chức và chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa theo lĩnh vực được phân công.     

N.Linh

Nguồn:Haiquanonlinevn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/