Nhận diện điểm nghẽn của nền kinh tế

Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần được nhận diện và hóa giải

Bức tranh kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong 10 tháng đầu năm 2023. Những diễn biến này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho quá trình phục hồi hoàn toàn và phát triển ổn định trong năm 2024.

Đã có nhiều điểm sáng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm đã phục hồi nhẹ, tốt hơn so với 9 tháng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng 9 tháng. Chỉ số này tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương khác trên cả nước.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 479.300 tỉ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 18 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Cùng với FDI, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 557,9 tỉ USD, dù giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với mức giảm 11% của giai đoạn 9 tháng trước. Đặc biệt nhập khẩu tư liệu sản xuất quý III/2023 cao hơn quý II/2023 là dấu hiệu phản ánh sản xuất trong nước đang tốt dần lên.

Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn rất khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra và vốn sản xuất. Số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2023, có 183.600 DN gia nhập thị trường, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có đến 146.600 DN rút lui, tăng đến 20% cùng kỳ và vốn đăng ký thành lập DN giảm.

Nhận diện điểm nghẽn của nền kinh tế - Ảnh 1.

Ngành dệt may đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn trong trạng thái khó khăn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Báo cáo của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) trong tháng 10, riêng TP HCM có tới 44% DN giảm doanh thu và 50% số DN có lợi nhuận giảm. Nhiều DN phải cắt giảm lao động, 16% DN vẫn có kế hoạch giảm lao động trong thời gian tới do gặp khó khăn về vốn, đơn hàng sụt giảm và áp lực nợ nần...

Nêu con số tổng mức bán lẻ 10 tháng tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%) nhưng chủ yếu đến từ mảng dịch vụ, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết bán lẻ nội địa chưa có dấu hiện phục hồi rõ nét. Ngành thương mại vẫn còn những điểm dừng khó khăn, các DN bán lẻ hiện đại bị chững lại, nếu trừ đi mức trượt giá thì sản lượng phân phối ngang bằng hoặc thấp hơn cùng kỳ. 

"Người tiêu dùng đang mua sắm dè sẻn hơn và xu hướng tiêu dùng thay đổi. Sau những khó khăn toàn cầu, cơ cấu hàng hóa thay đổi theo hướng tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng thiết yếu, có giá trị thấp hơn thay cho hàng hóa có giá trị cao" - ông Nguyễn Anh Đức nêu thực tế.

Trên bình diện chung, những chính sách như giảm thuế GTGT, giảm tiền thuê đất… và chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 cho TP HCM ít nhiều tạo hiệu ứng tích cực hơn. "DN bán lẻ cần tận dụng hơn các chính sách kích cầu, các hỗ trợ DN. Bản thân Saigon Co.op trong 10 tháng đầu năm có tăng trưởng về mặt giá trị nhưng thấp hơn kỳ vọng. Saigon Co.op đang hướng đến nhiều giải pháp để kích cầu và phát triển mạng lưới" - ông Đức nói.

Lĩnh vực dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết doanh thu xuất khẩu toàn ngành trong 10 tháng đạt khoảng 33 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ nhưng đã cải thiện khá nhiều so với mức giảm hơn 20% trong các tháng đầu năm 2023. VITAS nhận định thị trường có dấu hiệu ấm lên với tốc độ chậm, nhiều DN đã "sống được".

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX), cũng cho rằng ngành dệt may đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn trong trạng thái khó khăn do nhiều DN còn thiếu hàng, phải cho công nhân giảm, giãn giờ làm... 

"Xuất khẩu qua Nga có tăng trưởng, xuất khẩu qua Mỹ cũng dần phục hồi. Ưu tiên hàng đầu của các DN dệt may hiện nay là tìm kiếm đơn hàng nên họ sẵn sàng chấp nhận những đơn nhỏ lẻ, mẫu mã cầu kỳ hơn, giá thấp hơn trước. Chúng tôi liên tục vận động DN hội viên tham gia hội chợ, triển lãm để tăng cường gặp gỡ, kết nối, chia sẻ thông tin với khách hàng để tìm kiếm cơ hội" - ông Hồng thông tin.

Nguồn: Nld.com.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/