Hồi hộp ‘sức khỏe’ ngành sản xuất nội địa trên chặng đường cuối năm

Liệu “sức khỏe” của ngành sản xuất nội địa có hồi phục trở lại trong 2 tháng còn lại của năm 2023 vẫn là dấu hỏi lớn. Nhất là khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng nhanh hơn số gia nhập, chỉ số PMI sụt giảm 2 tháng liên tiếp, hoạt động xuất nhập khẩu còn đối mặt nhiều khó khăn, bất trắc trước những biến động ở phía trước.

Vào hạ tuần tháng 10/2023, trong báo cáo giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (Hose) về tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục thua lỗ trong quý 3/2023, bà Nguyễn Minh Hằng, Tổng giám đốc CTCP Garmex Sài Gòn, lý giải là do công ty không có đơn hàng nên doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” 

Báo cáo tài chính mới công bố của doanh nghiệp (DN) này cho thấy doanh thu trong quý 3/2023 chỉ vỏn vẹn hơn 73 triệu đồng (thực tế đây là doanh thu dịch vụ), trong khi doanh thu cùng kỳ hồi năm rồi là hơn 11 tỷ đồng. 

-9643-1698830200.png

Liệu “sức khỏe” của ngành sản xuất nội địa sẽ hồi phục trong 2 tháng còn lại của năm 2023 vẫn là dấu hỏi lớn. 

Bên cạnh đó, theo bà Hằng, mặc dù công ty đã tiết giảm chi phí nhưng do đơn giá thuê đất tăng đã làm tăng chi phí quản lý DN của quý 3/2023 cao hơn so với quý 2/2022 là 2,1 tỷ đồng. Từ những yếu tố trên đã làm cho kết quả kinh doanh quý 3/2023 của công ty tiếp tục lỗ.

Không chỉ vậy, vì làm ăn bết bát nên từ một DN dệt may lớn ở Tp.HCM, tính đến cuối quý 3/2023 Garmex Sài Gòn chỉ còn 37 lao động sau khi cắt giảm 2.000 lao động so với hồi đầu năm nay. Tính luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 doanh thu thuần của DN này đạt 8 tỷ đồng, giảm tới 97% so với cùng kỳ năm trước, còn lỗ sau thuế ghi nhận 44 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ gần 7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

Nhìn vào tình hình sa sút một cách “thê thảm” của một DN vốn là công ty nội địa hàng đầu trong ngành sản xuất may mặc, nhiều ý kiến cho rằng đây là điều đáng buồn cho ngành dệt may Việt Nam. Và liệu ngành sản xuất chủ lực này trong 2 tháng cuối của năm 2023 có thấy được “ánh sáng cuối đường hầm” trong bối cảnh kinh tế đầy bất định như hiện nay hay không là cả dấu hỏi lớn. Đây không chỉ là  vấn đề riêng của DN dệt may mà còn là vấn đề của ngành sản xuất trong nước nói chung. 

Trong khi đó, số liệu đưa ra mới đây của Tổng cục Thống kê đã chỉ rõ trong tháng 10/2023 có 5.501 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,4% so với tháng trước đó và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 4.898 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung trong 10 tháng qua, số DN rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn DN, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Còn ở Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global công bố vào ngày 1/11 cho thấy PMI (một chỉ số rất quan trọng để đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ của một quốc gia) của Việt Nam trong tháng 10/2023 vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm (đạt 49,6 điểm). Như vậy đây là tháng thứ 2 liên tiếp cho thấy “sức khỏe” của ngành sản xuất trong nước suy giảm (hồi tháng 9/2023 cũng chỉ đạt 49,7 điểm).

Việc Chỉ số PMI giảm 2 tháng liên tiếp được cho là do sản lượng tiếp tục giảm, khách hàng vẫn ngần ngại trong việc cam kết đơn hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng chậm lại. Điều này rất đáng lo ngại khi các DN đang bước vào chặng đường cuối năm 2023 với 2 tháng còn lại. Nhất là nhìn vào tình hình thiếu đơn hàng nghiêm trọng như trường hợp của Garmex Sài Gòn.

Củng cố chiến lược để thích ứng tốt hơn

Câu hỏi đặt ra là liệu “sức khỏe” của ngành sản xuất trong nước sẽ khởi sắc trở lại 2 tháng còn lại của năm 2023? Nhất là khi số DN rút khỏi thị trường vẫn tăng nhanh hơn số gia nhập. Hoạt động xuất nhập khẩu còn đối mặt nhiều khó khăn như áp lực tăng chi phí đầu vào, gia tăng rào cản thương mại, đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi cho Việt Nam (như chính sách thuế carbon đánh vào một số mặt hàng làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu), cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gia càng trở nên gay gắt…

Và đặc biệt là những biến động liên tục xảy ra ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, dẫn đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, càng làm cho ngành sản xuất của Việt Nam trở nên đầy thách thức hơn.

Đơn cử như cuộc xung đột Israel - Hamas diễn ra thời gian gần đây và đang “leo thang”, được cho là có thể ảnh hưởng lĩnh vực sản xuất và thương mại của Việt Nam. Theo Ts. Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học RMIT), từ cuộc xung đột này đang đòi hỏi Việt Nam cần phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt và có khả năng thích ứng, vốn đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với việc tăng trưởng thương mại trong môi trường bị gián đoạn.

Theo ông Hùng, nhiều nghiên cứu gần đây kêu gọi các ngành công nghiệp chủ động quản lý chuỗi cung ứng và số hóa hoạt động của mình để luôn được cập nhật. Cho nên những người làm trong ngành sản xuất và các hiệp hội chuỗi cung ứng nên liên tục cập nhật thông tin trong những giai đoạn bất ổn hiện nay bằng cách liên hệ với các nguồn uy tín để có được báo cáo cập nhật mới nhất và đáng tin cậy nhất.

“Việc hoạch định chiến lược theo các kịch bản cụ thể và củng cố nguồn cung tin cậy có thể nâng cao khả năng phục hồi và tính linh hoạt trong hoạt động thương mại. Những biện pháp chiến lược trên rất cần thiết để đảm bảo dòng hàng hóa xuyên biên giới thông suốt hơn, góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại toàn cầu trước những xung đột tiềm ẩn trong tương lai”, ông Hùng chia sẻ.

Hoặc như việc tiếp diễn các rào cản thương mại cũng là một thách thức lớn cho ngành sản xuất của Việt Nam. Chẳng hạn ở lĩnh vực sản xuất chế biến tôm xuất khẩu. Mới đây Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA)  nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Việt Nam và Ecuador, Indonesia, Ấn Độ. Trong tháng 11 này các cơ quan chức năng của Mỹ sẽ xem xét, kết luận là vụ kiện từ ASPA nêu trên được tiến hành hay không.

Điều này càng thêm thách thức cho con tôm của Việt Nam trong bối cảnh ngành hàng sản xuất này đang gặp quá nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan như hiện nay. Và như lưu ý của Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, vấn đề là các DN cần giải quyết khó khăn nội tại và tăng sức cạnh tranh. 

Suy cho cùng, từ những vấn đề đầy thách thức như vậy thì việc hồi hộp với “sức khỏe” của ngành sản xuất trong nước là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì “đầu hàng” trước khó khăn, điều mà các DN sản xuất nên làm trong chặng đường cuối năm này là cần tìm “cơ trong nguy”, biến thách thức thành cơ hội, củng cố chiến lược của mình để thích ứng tốt hơn trước những bất trắc.

                                                                                 Thế Vinh

Nguồn:Vnbusiness.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/