Tiềm năng lớn xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng cơ hội xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Trung Quốc như: trái cây, thủy sản, hàng dệt may… với mục tiêu nâng cao hiệu quả, tăng giá trị hàng hóa của Việt Nam tại thị trường 1,4 tỷ dân.

Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), 9 tháng năm 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42,86 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,9 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 10 tỷ USD; rau quả đạt 2,75 tỷ USD.

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong số những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họaXuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong số những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt 79,2 tỷ USD, giảm 12,38 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 2 nhóm hàng có kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,2 tỷ USD. Ngoài ra, còn 12 nhóm hàng khác đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên như: vải; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…

Bộ Công Thương đánh giá, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ).

Với việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan mức cơ bản 0% đối với gần 90% hàng hóa giao dịch; quy tắc xuất xứ có giá trị trong toàn bộ khu vực địa lý RCEP; quy định mạnh mẽ hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới; nhiều quy tắc mới về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử.

Khuyến nghị giải pháp đối với doanh nghiệp, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Trần Quang Huy cho rằng, để tận dụng cơ hội từ RCEP, bứt phá xuất khẩu sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần cải thiện chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa.

Cùng với đó, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của Trung Quốc, nắm rõ các quy tắc xuất xứ và thủ tục hải quan, kiểm tra kỹ thông tin đối tác, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng nước bạn.

Doanh nghiệp kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu

 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc, trong số các thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Trung Quốc là kỳ vọng lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam.Ảnh minh họaTrung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam.Ảnh minh họa

Sau khi nước này tái mở cửa hoàn toàn, hoạt động giao thương đang dần trở lại bình thường. Kỳ vọng kinh tế Trung Quốc ổn định hơn trong những tháng cuối năm, thu nhập và tiêu dùng của người dân nước này phục hồi sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra kỳ vọng, tín hiệu phục hồi trong tháng cuối quý III/2023 sẽ tạo đà cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân trong quý cuối của năm nay.

Nói về những tín hiệu khả quan vào thị trường này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xuất khẩu và nhập khẩu Việt Phúc Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ: “Sắp tới là Tết Nguyên Đán với nhu cầu tiêu dùng cao, đặc biệt thời tiết Trung Quốc vào mùa đông lạnh rất cần rau quả nhiệt đới, do vậy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng và xoài trái vụ, thanh long vụ Tết.”

Nhận định về những cơ hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dân số của Trung Quốc rất đông, gấp hơn 14 lần dân số Việt Nam và có tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt. Cùng với đó, Trung Quốc là nước có nhiều tài nguyên khoáng sản, có chung đường biên giới cả trên bộ, trên biển và đường hàng không với Việt Nam, quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam đã được thiết lập, duy trì và phát triển từ rất lâu đời.

“Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc ổn định với hiệu suất thông quan cao. Trong khi đó, đối với Việt Nam, quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc đang tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương của hai nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/