Thấy gì từ bức tranh xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2023?

Từ đầu năm đến nay, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quý 3/2023 lên mức 94,6 tỉ USD.

Bộ Công Thương ngày 8.10 cho biết hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng liên tiếp gần đây (tháng 5,6,7,8) duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong tháng 9.2023 ước tính giảm 4,1% so với tháng trước, nhưng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quý 3/2023 lên mức 94,6 tỉ USD, tăng 10,3% so với quý 2/2023 và chỉ giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

xuat-nhap-khau.jpgVới việc thực hiện các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ - Ảnh: IT

Xuất khẩu hàng hóa

Sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9.2023 ước đạt 31,41 tỉ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỉ USD, giảm 6,8%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,11 tỉ USD, giảm 3,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 4,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,5%. Trong quý 3/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý 2/2023.

Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỉ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỉ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỉ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.

Trong 9 tháng năm 2023, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 62,2%).

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, trong tháng 9.2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ghi nhận mức tăng 31,1% so với cùng kỳ, ước đạt 3,01 tỉ USD. Nổi bật nhất trong nhóm này là xuất khẩu hàng rau quả tăng 160% so với cùng kỳ, ước đạt 650 triệu USD; gạo tăng 80%, ước đạt 495 triệu USD; hạt tiêu tăng 22,7%; hạt điều tăng 39,6%...

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 26,65 tỉ USD. Trong đó, các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ... đạt mức tăng từ 2-10%.

So với tháng trước đó, nhiều ngành hàng vẫn duy trì được sự khởi sắc như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,9%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 21,6%... Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng có phần chững lại hoặc giảm như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (-0,6%), dệt may (-13%), giày dép (-12,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (-7%), sắt thép (-21%)...

Duy nhất nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ghi nhận mức giảm về kim ngạch xuất khẩu, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 9 tháng, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 220,28 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 41,19 tỉ USD, giảm 1,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 39 tỉ USD, giảm 13,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 30,6 tỉ USD, giảm 10,6%; hàng dệt may đạt 25,5 tỉ USD, giảm 12,1%; giày dép đạt 14,86 tỉ USD, giảm 18,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,68 tỉ USD, giảm 21,3%...

Ở chiều ngược lại, các sản phẩm của ngành nông nghiệp đã có những đóng góp ấn tượng cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều... Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản tăng 3,1%, ước đạt 23,87 tỉ USD, chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỉ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,16 tỉ USD); xuất khẩu gạo đạt kim ngạch xuất khẩu 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,45 tỉ USD); xuất khẩu điều ước đạt 2,6 tỉ USD, tăng 14,3%, cà phê đạt hơn 3,1 tỉ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 3,05 tỉ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Công Thương đánh giá nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 3,6%, thị trường châu Âu giảm 6,8%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%, thị trường châu Phi tăng 1,2%, châu Đại dương giảm 3,9%).

Trong 9 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỉ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỉ USD, tăng 2,1%. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU giảm 8,2%; thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%.

Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 4%, ước đạt 5,9 tỉ USD và thị trường châu Phi tăng 1,2%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng tới 9,4%... cho thấy những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn chung, điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của nước ta trong 9 tháng năm 2023 đó là: Tốc độ suy giảm trong xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước (giảm 5,7%) thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (giảm 9,1%).

Trong 9 tháng, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, bằng cùng kỳ năm trước, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%); Thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU đều giảm nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng;

Thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 2,1%), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9.2023 ước đạt 29,12 tỉ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,37 tỉ USD, giảm 1,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,75 tỉ USD, giảm 0,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 2,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3%.

Trong quý 3/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86 tỉ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với quý 2/2023.

Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỉ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỉ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỉ USD, giảm 14,9%.

Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 39,3%).

Bộ Công Thương đánh giá một trong những điểm tích cực trong tháng 9 đó là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, cụ thể: kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 26,1 tỉ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ và chiếm 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều tăng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 8,8 tỉ USD, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,8 tỉ USD, tăng 1,6% so với tháng trước; vải các loại đạt 1,1 tỉ USD, tăng 1,5% so với tháng trước...

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu sản xuất của nước ta vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, chẳng hạn như: điện thoại và linh kiện (giảm 62,2%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (giảm 11,1%); nguyên phụ liệu dệt may, da giày, giảm 13,4%…. Nguyên nhân một phần là do giá nguyên liệu hạ nhiệt và việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong tháng 9 ước đạt 1,65 tỉ USD, tăng 11% so với tháng trước nhưng giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 13,8 tỉ USD. Trong đó, sự sụt giảm được ghi nhận ở các mặt hàng như phế liệu sắt thép, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, linh kiện phụ tùng ô tô....

Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 38,5 tỉ USD, giảm 20,1%; thị trường ASEAN đạt 30,46 tỉ USD, giảm 14,5%,...

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 9 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,29 tỉ USD, nâng tổng xuất siêu trong 9 tháng năm 2023 là 21,68 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỉ USD).

Nguồn:1thegioi.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/