TS. Nguyễn Quốc Việt: Ngoại giao xuất khẩu cần quyết liệt như ngoại giao vaccine

Trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng nghiêm trọng, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai ngoại giao đơn hàng - như đã từng làm ngoại giao vaccine.

Doanh nghiệp khó chồng khó

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới công bố cho thấy, trong tháng 5/2023, cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới và 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, trong tháng 5 cũng có tới 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính chung 5 tháng đầu năm, 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp (55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thi trường.

Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 5, xuất khẩu của cả nước đạt 11,45 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 230,58 tỷ USD (xuất khẩu đạt 118,58 tỷ USD, nhập khẩu đạt 112 tỷ USD), giảm xấp xỉ 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều ngành hàng ghi nhận mức sụt giảm 30-40% lượng đơn hàng. Hiện tại, dù đã bước vào giữa quý II/2023 - mùa cao điểm đặt hàng của nhiều ngành như đồ gỗ, dệt may, da giày…, thị trường xuất khẩu vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Điều này dẫn tới việc cắt giảm lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên TG&VN về báo cáo nói trên, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua đã từng bước củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn đọng, nợ xấu nguy cơ tăng, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực phải ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dệt may, xây dựng, bất động sản, bán lẻ hàng hoá... dẫn đến tình trạng mất hoặc giảm giờ làm, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế khiến xuất khẩu giảm, thiếu vốn… đã và đang làm gia tăng thêm áp lực với doanh nghiệp để duy trì hoạt động.

Chính phủ nhận định, tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, có việc một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để duy trì sản xuất, kinh doanh

Bên cạnh đó, trong quý I/2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng lần đầu tiên giảm cả về số thực hiện và đăng ký mới; trong đó số đăng ký mới giảm gần 40%, là mức giảm sâu nhất kể từ 2011.

TS. Nguyễn Quốc Việt: Ngoại giao xuất khẩu cần quyết liệt như ngoại giao vaccine
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Phó Viện trưởng VEPR nhấn mạnh: “Tất cả những khó khăn và tình trạng đầu tư tư nhân chất lượng thấp và đang giảm sút nghiêm trọng như vậy, ngoài những nguyên nhân vĩ mô trong và ngoài nước như đã đề cập, thì còn do những yếu kém về môi trường thể chế, pháp luật… là một rào cản rất lớn cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp và người dân, từ đó tạo những phí tổn hữu hình và vô hình, làm giảm hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách”.

Cần triển khai ngoại giao xuất khẩu 

Để giải quyết khó khăn trên, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong ngắn hạn, các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Các chính sách cần được phối hợp một cách nhịp nhàng và có sự điều phối tổng hợp, cũng như tham vấn của các bên liên quan, qua đó từ khâu hoạch định, thực thi đều thông suốt và dựa tối đa vào các giải pháp thị trường, thay vì mệnh lệnh hành chính.

Ông Việt nhấn mạnh: “Thời gian tới, Chính phủ cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai ngoại giao đơn hàng, ngoại giao xuất khẩu, như đã từng làm ngoại giao vaccine.

Thời kỳ Việt Nam thiếu vaccine phòng Covid-19, Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã có sự chỉ đạo quyết liệt để tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm các đối tác công và đối tác tư để hỗ trợ cho Việt Nam. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cũng tương tự như vậy. Do đó, ngoại giao xuất khẩu cần quyết liệt như ngoại giao vaccine”.

Ngoại giao đơn hàng nhằm giới thiệu thêm, quảng bá thêm, kết nối thị trường, doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài để tận dụng những mối quan hệ, tận dụng các thông tin từ các đại sứ quán, các thương vụ, các đầu mối phụ trách về xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài của Việt Nam. Qua đó, đưa những thông tin về nhu cầu và đơn hàng.

TS. Nguyễn Quốc Việt cũng đề xuất, Chính phủ nên có những tổ công tác đặc biệt để quảng bá thương hiệu một cách đồng bộ giữa các thương hiệu quốc gia với các thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu đặc thù.

Tổ công tác đặc biệt này có thể thực hiện những chiến dịch quảng bá và có những đầu tư mang tầm quốc gia kết hợp với các nguồn lực của địa phương và doanh nghiệp, hiệp hội để quảng bá các hình ảnh, sản phẩm là đặc thù, riêng có và là thế mạnh của Việt Nam như: sản phẩm nông sản, đồ gỗ, sản phẩm thủ công…

Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp là quan trọng nhất; công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, liên tục và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa…

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) kiến nghị, trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Liên minh châu Âu (EU) - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.

Nguồn: Baoquocte.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/