Đồng VND chỉ mất giá khoảng 4% so với đồng USD, thấp hơn rất nhiều so với mức mất giá của các đồng tiền khác.

Đáng lẽ thời điểm này, các nhà xuất khẩu đang bận rộn với các đơn hàng lớn cho thị trường dịp lễ cuối năm nhưng hiện đơn hàng từ đối tác giảm mạnh.

Khó cả đầu vào lẫn đầu ra

Đồng USD tăng giá, về mặt lý thuyết sẽ có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, phân tích: Giá USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm qua đã tác động mạnh đến sức mua của người tiêu dùng khi giá cả hàng hóa đồng loạt tăng.

Đơn cử tại khối thị trường chính EU, hàng hóa trong siêu thị trung bình tăng giá tới 10% so với thời điểm trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất. Khi giá hàng hóa tăng, người dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, kéo sức mua hàng hóa đi xuống. Các đơn hàng đáng lẽ xuất từ tháng 10 đều nhận được yêu cầu của khách hàng dời sang tháng 12 hoặc năm sau.

 
Doanh nhân Việt thích ứng trước áp lực USD tăng giá  ảnh 1
 

Ngành dệt may đang thích ứng nhanh với những biến động kinh tế thế giới. Ảnh: QH

“Không chỉ xuất khẩu, về nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng khi đồng USD tăng giá hơn so với VND, doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền hơn để mua nguyên liệu nhập khẩu. Cụ thể như giá bột mì tăng 40%-50% đẩy chi phí đầu vào tăng, trong khi xuất khẩu giảm khiến doanh nghiệp khó chồng khó. Hiện công ty phải giảm công suất, không tăng ca” - ông Long chia sẻ.

Ngành dệt may cũng đang gặp nhiều thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho hay doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, khi giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải và phải gánh thêm khoản chênh lệch tỉ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

Giữ tỉ giá để giúp ổn định xuất nhập khẩu

Đồng USD tăng dẫn đến vay nợ trên trường quốc tế tăng, gây sức ép tăng lãi suất đến Việt Nam, đây cũng là bài toán mà Ngân hàng Nhà nước cần giải quyết. Trong đó, chú trọng nhất là giữ ổn định tỉ giá hối đoái đồng VND so với USD. Bởi hợp đồng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt có đến 70% là bằng USD, nên giữ ổn định được tỉ giá đồng nghĩa với việc giữ ổn định lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, giữ ổn định tỉ giá đồng VND so với USD là một chính sách cực kỳ quan trọng để ổn định lạm phát cơ bản, từ đó góp phần ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường và đảm bảo chỉ số lạm phát ở mức thấp.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế

“Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng khi tỉ giá đồng USD biến động, chi phí nhập khẩu tăng cao, đầu ra không tăng, khó đầu ra khiến một số doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ” - ông Hồng cho hay.

Mở rộng thị trường, tìm đơn hàng mới

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), cho rằng trong bối cảnh USD tăng cao như hiện nay, điều quan trọng nhất là Chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định tỉ giá. Nhiệm vụ này tuy khó khăn nhưng kinh tế ổn định thì doanh nghiệp cũng cố gắng vượt qua khó khăn.

 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích mọi thành phần trong và ngoài nước tham gia xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều chương trình hội chợ quốc tế, mời khách hàng quốc tế tham gia. Từ đó doanh nghiệp Việt có cơ hội tìm kiếm khách hàng mới, có nhiều đơn hàng mới trong thời gian cuối năm.

“Bản thân công ty chúng tôi cũng đang tiết kiệm chi phí tối đa, cố gắng giữ vững sản xuất hết năm và mở rộng thị trường” - ông Mạnh nói.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng lạm phát trên thế giới nhưng xuất khẩu chín tháng qua ước đạt khoảng 35 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đây là nỗ lực rất lớn đối với ngành dệt may Việt Nam trước những sức ép của thị trường thế giới” - ông Giang nhấn mạnh.

Để có được con số ấn tượng trên, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp dệt may đã thích ứng rất nhanh trước áp lực của thị trường. Ví dụ, nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ chăm chú vào các thị trường truyền thống thì nay đang chuyển dịch sang nhiều thị trường mới.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt đã chuyển từ mặt hàng dệt kim sang dệt thoi một cách nhanh chóng. Trước những áp lực lạm phát trên toàn cầu khiến lượng đơn hàng giảm sút, các doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp lại cơ cấu lao động và sản lượng sản xuất. Theo đó, một số doanh nghiệp đã giảm giờ làm, không tăng ca để vừa duy trì được nguồn lao động, lương cho nhân viên, vừa đáp ứng đủ các đơn hàng, tránh lãng phí không đáng có.

“Trước những thay đổi tích cực của doanh nghiệp dệt may Việt Nam, chúng tôi vẫn kỳ vọng và đặt mục tiêu dệt may đạt 44 tỉ USD vào cuối năm nay” - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kỳ vọng. Ông cũng khuyến nghị trước sức ép về nguyên liệu đầu vào đang tăng cao, các doanh nghiệp nên biết chấp nhận luật chơi, đồng thời có những thay đổi linh hoạt trước những chính sách, đạo luật của một số nước về tiêu chuẩn sản xuất xanh, sạch, an toàn.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, trong bối cảnh tỉ giá USD không thuận lợi và thị trường gặp khó như hiện nay, các doanh nghiệp không nên quá đặt lợi nhuận lên đầu mà cố gắng duy trì sản xuất và đơn hàng nhỏ, giá thấp cũng phải làm; đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, ông Hồng cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thời điểm khó khăn này, vì biến động tỉ giá có thể tiếp tục diễn ra. Cụ thể, Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chậm nộp bảo hiểm để có thể chăm lo cho người lao động.

 
Nguồn:Plo.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/