Tác động cả trực tiếp và gián tiếp

Với lịch sử hơn 70 năm quan hệ ngoại giao, Việt Nam là đối tác toàn diện quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của Nga với ASEAN. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga đạt trung bình khoảng 30%/năm.

Căng thẳng Nga – Ukraine: Nhận diện những tác động để có kịch bản ứng phó

Năm 2020 - 2021, thương mại song phương vẫn tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 4,85 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Nga gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày. Việt Nam đã nhập khẩu từ Nga các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản.

Nga hiện chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 150 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 953,7 triệu USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thông tin, vật liệu xây dựng mới.

Trong khi đó, Việt Nam - Ukraine thiết lập quan hệ ngoại giao từ 23/1/1992, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, Ukraine đứng thứ 36/140 nước có FDI vào Việt Nam, với 26 dự án, tổng 30 triệu USD và Việt Nam xuất khẩu 344,6 triệu USD, nhập khẩu 375,8 triệu USD từ Ukraine.

Động thái phức tạp liên tiếp diễn ra gần đây xung quanh quan hệ căng thẳng về ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế giữa Nga với Ukraine và một số quốc gia liên quan đã và đang ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến đời sống kinh tế nhiều quốc gia, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Những hệ lụy đang được ghi nhận nổi bật là xu hướng tăng nhanh hơn của giá xăng dầu, khí đốt, giá vàng và áp lực lạm phát; hay sự gián đoạn và đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ tài chính, tiền tệ, du lịch, vận tải xuyên quốc gia của các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế có liên quan đến Nga và Ukraine.

Tăng giá nguyên nhiên liệu, giảm tổng cầu của nền kinh tế

Giá vàng biến động mạnh là một chỉ báo trực tiếp và nổi bật dễ thấy về tác động kinh tế của căng thẳng quan hệ Nga - Ukraine đến Việt Nam. Từ ngày 24/2, khi căng thẳng giữa hai bên bắt đầu nổ ra cho đến nay, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh, đạt những mức chưa từng có trong lịch sử ở cả chiều thu mua và chiều bán ra. Rạng sáng 8/3, giá vàng trong nước đã chạm mốc 74 triệu đồng/lượng.

Tác động tiếp theo dễ thấy nhất là giá xăng dầu. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Ukraine và phương Tây dẫn đến việc giá dầu trên thế giới đã tăng mạnh từ tháng 2/2022 đến nay. Trong nước, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 5 lần tăng giá xăng, với mức tăng khoảng 12 - 13% (tùy loại) và có thể sẽ còn tăng, có tác động đáng kể đến nền kinh tế.

Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu, và chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,4 - 4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế và chiếm tới 35 - 40% chi phí đầu vào của lĩnh vực vận tải. Bởi vậy, giá dầu thô tăng sẽ có những tác động hai chiều tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn.

Cụ thể, biến động giá xăng dầu làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó làm tăng nhập siêu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.

Đồng thời, giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày (nhất là giao thông), trong khi giá xăng tăng cũng gây áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo. Chi tiêu cho xăng dầu hiện chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga - Ukraine cũng là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt - dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô… do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn. Bên cạnh đó, một số hãng tàu lớn đã ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga.

Các yếu tố trên sẽ khiến chi phí đầu vào và cước vận tải biển tăng đột biến. Nhìn xa hơn, không chỉ các đơn hàng xuất khẩu sang Nga bị ảnh hưởng mà xuất khẩu sang EU cũng chịu liên đới vì nhiều bạn hàng EU nhập khẩu nông sản Việt Nam để bán sang Nga.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp và cộng đồng người Việt đang đầu tư, làm ăn ở Nga, Ukraine và các nước Đông Âu cũng có thể chịu những thiệt hại nhất định, như khó khăn trong thanh toán ngoại hối; tăng phí chuyển tiền; thiếu hụt ngoại hối và áp lực các đồng tiền giảm giá, tăng lạm phát ở Nga, Ukraine gắn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thanh toán quốc tế của Nga với các nước Đông Âu và thế giới.

Có thể thấy, căng thẳng Nga - Ukraine chưa biết lúc nào có điểm dừng sẽ có những tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng… Theo đó, việc cần nhất lúc này là sự chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm cùng với sự bình tĩnh sẽ giúp Việt Nam có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra.

Bình tĩnh ứng phó sẽ giảm được những tác động tiêu cực

Mặc dù cả Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn, khi chiếm trên 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng vẫn quan hệ giao thương ở những mặt hàng nông nghiệp, sắt thép, máy móc thiết bị, dệt may… nên căng thẳng giữa 2 nước này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có sự nhìn nhận rõ tầm ảnh hưởng của sự việc và với một thái độ bình tĩnh để ứng phó thì sẽ giảm được những tác động tới doanh nghiệp, nền kinh tế.