Indonesia công bố chiến lược thay thế 35% hàng nhập khẩu

ndonesia sẽ ưu tiên cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn trong năm 2019 như máy móc, hóa chất, kim loại, điện tử, thực phẩm, thiết bị điện, dệt may, ô tô, kim loại, cao su...

Cảng Tanjung Priok ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: https://www.joc.com

Ngày 17/8, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita đã công bố chiến lược thay thế 35% hàng nhập khẩu vào năm 2022 nhằm tăng khả năng tự chủ và thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.
Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh thứ 76 của Indonesia, Bộ trưởng Agus cho biết chiến lược này nhằm xây dựng ngành công nghiệp trong nước độc lập, có chủ quyền, tiên tiến, bình đẳng và toàn diện.
Theo đó, Indonesia sẽ ưu tiên cắt giảm các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn trong năm 2019 như máy móc, hóa chất, kim loại, điện tử, thực phẩm, thiết bị điện, dệt may, ô tô, kim loại, cao su và các vật liệu làm bằng cao su.
Đồng thời, Indonesia sẽ khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường tiện ích của ngành sản xuất trong nước và thúc đẩy đầu tư để sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
Ông Agus cho biết một chiến lược khác là tối ưu hóa việc sử dụng các sản phẩm trong nước bằng cách quy định tỷ lệ nội địa hóa (TKDN) ở mức thấp nhất 40%. Việc quy định TKDN nhằm khuyến khích tất cả các sản phẩm được sản xuất trong nước tham gia vào các dự án mua sắm hàng hóa/dịch vụ bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng tiền của các doanh nghiệp nhà nước.
Bộ trưởng Agus nhấn mạnh rằng chính sách TKDN là một hình thức ủng hộ các sản phẩm nội địa và là động thái nhằm bảo vệ sự bền vững, tăng khả năng cạnh tranh và tạo cơ hội cho các ngành công nghiệp trong nước phát triển.
Theo ông Agus, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang sử dụng các công cụ khác nhau để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước, lực lượng lao động và người dân của mình.
Bộ trưởng Agus cho rằng nếu không có các chính sách hỗ trợ này, hàng nhập khẩu sẽ tràn lan và các ngành công nghiệp trong nước sẽ khó có chỗ đứng trên lãnh thổ của mình. Ngoài ra, độc lập và chủ quyền của ngành sản xuất trong nước cũng cần được hỗ trợ bởi những thay đổi trong tư duy và hành vi.
Từ góc độ các doanh nghiệp, ông Agus cho rằng tâm lý “ăn ngay” và “ngại khó” đã biến tập quán nhập khẩu trở thành văn hóa phụ thuộc trong thực tiễn phát triển của Indonesia. Mặt khác, về mặt xã hội, tác động của toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ đã tạo ra văn hóa tiêu dùng và cho phép người tiêu dùng tiếp cận rộng rãi với các sản phẩm nhập khẩu.
Do đó, cần khuyến khích để các chủ doanh nghiệp từ những thương nhân trở thành nhà sản xuất, từ định hướng nhập khẩu sang định hướng sản xuất. Ngoài ra, cũng cần tăng cường giáo dục, vận động để khích lệ các doanh nhân tham gia lĩnh vực sản xuất, đồng thời nuôi dưỡng lòng tự hào và sự ưa chuộng của người dân đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Theo Bộ trưởng Agus, người dân cần nhận thức được rằng việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước là một hành động yêu nước và đáng khen ngợi. Với mục đích đó, Chính phủ Indonesia đã phát động phong trào quốc gia “Người Indonesia dùng hàng Indonesia”./.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/