HSBC phân tích về điều Việt Nam cần làm để hưởng lợi tối đa từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu

Nếu Việt Nam muốn hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA, Việt Nam cần phát triển được ngành dệt may. Việt Nam cũng cần phải tính đến việc phát triển quan hệ thương mại hai chiều với Anh sau Brexit.

HSBC phân tích về điều Việt Nam cần làm để hưởng lợi tối đa từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu

Ảnh: Reuters
Sáng 8/6, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Theo nhận định mới nhất của HSBC trong báo cáo “Vietnam at a glance”, hiệp định đã được phê chuẩn đúng thời gian để tăng cường thương mại hai chiều với Liên minh châu Âu (EU). 
Trong thời gian qua, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và châu Âu đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên sang đến 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam giảm sâu chủ yếu bởi hoạt động xuất khẩu điện thoại đi xuống. 
Khi hiệp định thương mại hai chiều được thông qua, Việt Nam sẽ không chỉ hưởng lợi từ việc giảm thuế xuất khẩu mà FDI từ EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng lên, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam nhờ vậy cũng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, cũng theo ngân hàng HSBC, hiện vẫn còn nhiều vấn đề phải cân nhắc dù rằng thỏa thuận đã được thông qua. Ví dụ, ảnh hưởng của nguyên tắc xuất xứ áp dụng với sản phẩm dệt may của Việt Nam vô cùng quan trọng. 
Nếu Việt Nam muốn hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA, Việt Nam cần phát triển được ngành dệt may, quá trình này có thể mất nhiều năm. Cùng lúc đó, Việt Nam cũng cần phải tính đến việc phát triển quan hệ thương mại hai chiều với Anh sau Brexit.
Chính phủ nhiều nước đã bắt đầu gỡ bỏ đi các biện pháp phong tỏa từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu vẫn trì trệ. Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu tiêu dùng bên ngoài, chính vì vậy, ngành sản xuất đến hiện tại vẫn đương đầu với nhiều thách thức. 
Xuất khẩu tiếp tục giảm 2 con số trong tháng 5/2020, nguyên nhân chính do xuất khẩu hàng dệt may và da giày suy giảm mạnh. HSBC lo ngại GDP quý 2/2020 có thể suy giảm 2,9% so với cùng kỳ năm. 
HSBC nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 3/2020. 
Dù rằng đương đầu với những khó khăn ngắn hạn do Covid-19, có những yếu tố mà Việt Nam có thể dựa vào để hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 bao gồm: cơ hội thương mại mới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhu cầu nội địa.
Khi thực sự được thực thi, hiệp định thương mại tự do này có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 18%/năm vào năm 2035 và xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng thêm 29%. Khi mà môi trường thương mại toàn cầu còn nhiều bất ổn, EVFTA đã được thông qua đúng lúc để hỗ trợ cho thương mại của Việt Nam với EU và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam. 
Đại dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến thương mại hai chiều của Việt Nam? Dù rằng nhiều nền kinh tế trong khu vực đã chứng kiến tình trạng xuất khẩu suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay vẫn tốt, thậm chí tăng 2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng lần lượt 23% và 13%. 
Tuy nhiên, thương mại giữa Việt Nam và EU lại khó khăn. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU chịu tác động nặng nề nhất. Nhập khẩu của EU từ Việt Nam giảm 10% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính do xuất khẩu điện thoại giảm đến 24%. 
Nhập khẩu hàng EU của Việt Nam trong khi đó tăng 10% so với cùng kỳ, nhập khẩu các sản phẩm dược phẩm trong khi đó tăng 20%. Những con số này phản ánh thực tế rằng nhu cầu với nhiều sản phẩm thiết yếu tăng trong bối cảnh đại dịch. 
Rõ ràng, có thể nhận thấy thương mại Việt Nam – EU có tính tương hỗ cao. Việt Nam có lợi thế với các sản phẩm thâm dụng lao động còn EU có thể cung cấp những mặt hàng thâm dụng vốn và công nghệ cao. 
Theo lộ trình của Ủy ban châu Âu, khoảng 65% các loại thuế áp với hàng châu Âu vào Việt Nam sẽ được loại bỏ trong lộ trình, các loại thuế còn lại sẽ được giảm về không trong quá trình khoảng 10 năm. Cùng lúc, khoảng 71% loại thuế áp với hàng Việt Nam vào châu Âu sẽ được loại bỏ khi FTA có hiệu lực, những loại thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 7 năm. Cuối cùng, FTA sẽ loại bỏ khoảng 99% các loại thuế áp dụng với hàng hóa của cả hai bên.
 

NGỌC DIỆP

Nguồn: Bizlive.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/