EVFTA tạo xung lực lớn thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng tỷ USD

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức được Quốc hội phê chuẩn ngày 8/6, mở ra “con đường cao tốc” đưa hàng Việt vào thị trường EU. Dự báo, trong cả trước mắt lẫn lâu dài, loạt mặt hàng tỷ USD như dệt may, da giày,… sẽ được hưởng lợi lớn, giúp bù đắp bớt phần nào khó khăn XK thời gian qua do Covid-19.

Thênh thang cơ hội

Nói tới tác động của thúc đẩy XK hàng hóa nhờ Hiệp định EVFTA, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: Trong lĩnh vực thương mại, EU hiện là một trong các thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU gồm hàng dệt may, giày dép các loại, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Các ngành này sẽ được giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Hiệp định EVFTA được nhận định sẽ là cú hích quan trọng cho XK của Việt Nam sang thị trường EU hơn 500 triệu dân. Theo Cục Xuất nhập khẩu, với cam kết trong EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ từ Việt Nam).

Đối với các sản phẩm giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch XK của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tỷ lệ này sẽ lần lượt tăng lên tương ứng 73,2% và 100%.

Từ góc độ đại diện DN XK, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) bày tỏ hy vọng, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho ngành dệt may. “Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dệt may Việt Nam đang ở vào thời điểm hết sức khó khăn. Tháng 5/2020, kim ngạch XK của ngành dệt may giảm 36% so với tháng 5/2019. Trong 5 tháng đầu năm, dệt may chỉ XK được 12,37 tỷ USD, giảm hơn 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tất cả các mặt hàng XK chủ lực đều giảm. Vì vậy, công tác chuẩn bị của ngành cần rất chu đáo, tỉ mỉ để đón đầu các lợi ích ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Tương tự, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, các DN da giày cũng đang rất trông đợi những lợi ích Hiệp định EVFTA mang lại. “Hiện nay, DN da giày đang "đói" các đơn hàng. EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các DN vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất”, bà Xuân nói.

Nâng giá trị, chất lượng sản phẩm

Cơ hội mở ra luôn song hành cùng những khó khăn, thách thức. Nói như ông Trương Văn Cẩm thì, đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng của hàng dệt may Việt Nam để đáp ứng thị trường EU không đáng ngại, bởi từ nhiều năm nay các sản phẩm dệt may đã chinh phục được thị trường châu Âu. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với dệt may trong EVFTA lại và là vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm XK.

Liên quan tới vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 nhấn mạnh: “Nút thắt lớn nhất của DN dệt may Việt Nam khi vào EVFTA là vấn đề quy tắc xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Hy vọng thời gian tới sẽ có hội thảo kết nối giữa DN “đầu vào” và “đầu ra” để gỡ dần nút thắt này, tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may”.

Bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ, có nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề thực thi Hiệp định, hy vọng các bộ, ngành tiếp tục có hướng dẫn cụ thể cho các DN để khi bước vào thực tế, DN có thể tận dụng cơ hội một cách hiệu quả nhất.

Một số chuyên gia đánh giá, để giúp DN tận dụng tốt EVFTA, thúc đẩy XK hàng hóa hiệu quả vào thị trường EU, thời gian tới, Chính phủ cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa XK, đảm bảo đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Trước mắt, cần thu hút thu hút và cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, nhất là các dự án có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện môi trường.

Ở góc độ này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh: “Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, không chỉ có vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương trong phát triển từng ngành, từng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm XK”.

Về phần DN, theo ông Hải, một số DN XK trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU. Tuy nhiên, rất nhiều DN đang XK vào EU là các DN vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... Trong thời gian tới, một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi XK vào EU.

“Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, các DN cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn NK sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA. Đối với DN nhỏ và vừa, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển...”, ông Hải nói.

EU là một trong 3 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam bên cạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc; trong đó EU xếp thứ hai, sau Hoa Kỳ và nhỉnh hơn so với thị trường Trung Quốc. EU là thị trường có kim ngạch NK đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14,9% tổng NK toàn cầu), đạt khoảng 2.338 tỷ USD (năm 2018). Do vậy, mặc dù là thị trường XK lớn thứ 2 của nước ta, nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng NK của EU, như vậy cơ hội để tăng trưởng XK còn rất lớn.

Thanh Nguyễn

 Nguồn: Hiauqnonline.com.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/