Doanh nghiệp phía Nam quan tâm nhiều đến quản lý rủi ro

Ngày 1/8, tại TPHCM, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với USAID Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn Dự thảo Thông tư quy định về Quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan với sự tham dự của gần 200 doanh nghiệp (DN) liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam.

doanh nghiep phia nam quan tam nhieu den quan ly rui ro
DN thảo luận về Dự thảo Thông tư quản lý rủi ro tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu về các nội dung của Dự thảo thông tư liên quan đến quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ, tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận góp ý từ các DN liên quan đến các nội dung này.

Thắc mắc về các tiêu chí đánh giá rủi ro, ông Lê Minh Trí, đại diện Công ty Pouchen cho biết, đặc thù của các DN dệt may, da giày thường xuất hàng nhiều. Trong quá trình làm thủ tục tại sân bay thường phát sinh sai lệch về số lượng và DN thường phải khai báo bổ sung. Như vậy, nếu DN thường phải điều chỉnh số khối lượng hàng hoá, chuyến bay thì có được coi là tiêu chí để đánh giá rủi ro không?

Đại diện Công ty YKK cũng thắc mắc trong các tờ khai đối ứng nếu số quản lý nội bộ không khai, hoặc khai không đúng thì có nằm trong tiêu chí đánh giá rủi ro hay không. Tương tự số lần sửa tờ khai và số lần huỷ tờ khai của DN có ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá rủi ro hay không và nếu có thì đề nghị Cơ quan Hải quan cần có quy định rõ .

Cũng liên quan đến dự thảo thông tư, Đại diện Công ty Shiseido nêu vướng mắc, theo quy định của dự thảo Thông tư, nếu DN bị phạt hành vi phạm hành chính trên 10 triệu đồng thì sẽ bị đưa vào diện quản lý rủi ro. Quy định này sẽ gây khó khăn cho DN vì các DN sản xuất, gia công XK về cơ bản luôn chấp hành tốt pháp luật Hải quan nhưng theo quy định cứ sau 3-5 năm sẽ phải kiểm tra sau thông quan. Trong quá trình kiểm tra sau thông quan các DN rất dễ phị phạt về chênh lệch thừa, thiếu nguyên phụ liệu và bị cơ quan Hải quan ấn định thế, áp dụng phạt vi phạm hành chính 20%. Đối với các DN chế xuất, phần nguyên liệu chênh lệch phải nộp thuế cao vì vậy mức phạt luôn lớn hơn mức 10 triệu đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho DN đề nghị cơ quan xem xét lại tiêu chí này.

Đối với việc đánh giá hành vi vi phạm, đại diện Công ty Shishido cũng cho rằng, khi kiểm tra sau thông quan, cơ quan yêu cầu DN phải tính toán đối chiếu số liệu trong nhiều năm chỉ trong vòng từ 1-2 ngày là quá sức với các DN lớn. Do vậy cần có quy định phù hợp hơn về thời gian trong các trường hợp này.

Cũng theo đại diện Công ty Shiseido, các cơ quan hải quan địa phương đang thực hiện quản lý chặt về phế liệu nên cứ mặt hàng nào vào có cùng mã HS là chuyển luồng đỏ. Việc này gây khó khăn cho DN vì có nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của DN ví dụ mặt hàng nhựa có cùng mã HS nhưng không phải phế liệu vẫn bị đưa vào luồng Đỏ. Ngoài ra, đối với các tờ khai XK tại chỗ bị sai chỉ tiêu số quản lý nội bộ ở đầu xuất. Cơ quan Hải quan yêu cầu DN đầu nhập hỗ trợ yêu cầu DN đầu xuất khai bổ sung. Tuy nhiên có nhiều trường hợp DN đầu xuất đã mất tích, DN đầu nhập không có thông tin bổ sung cũng sẽ bị cơ quan Hải quan chuyển tờ khai sang luồng Đỏ khiến cho DN gặp nhiều khó khăn.

Giải đáp các thắc mắc nêu trên của DN, ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, cho biết, việc quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan sẽ được tính ở hai mức: mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro.

Đối với mức độ tuân thủ trên cơ sở các tiêu chí đánh giá chủ yếu rơi vào các hành vi vi phạm bị xử phạt theo quyết định của cơ quan Hải quan mới tính để đánh giá mức độ tuân thủ. Còn các sai sót khác như: điều chỉnh số kg, kê khai sửa đổi bổ sung tờ khai… nếu không bị xử phạt sẽ không tính vào đánh giá tuân thủ. Tuy nhiên, các lỗi này sẽ vẫn bị xem xét để đánh giá mức độ rủi ro của DN. Nếu DN thường xuyên huỷ tờ khai sẽ bị đánh giá về mức độ rủi ro cần phải chú ý. Ngoài ra, theo ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Rủi ro, các tiêu chí đánh giá rủi ro của DN không chỉ căn cứ vào việc DN tuân thủ pháp luật về Hải quan mà còn dựa trên việc tuân thủ các pháp luật có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, ví dụ nếu các DN vi phạm về môi trường, thuế cũng sẽ bị xem xét để đánh giá mức độ rủi ro.

Liên quan đến câu hỏi của Công ty YKK về việc DN có được xem thông tin về mức độ rủi ro của đối tác hay không, làm sao để DN biết được tình trạng của mình…, ông Nguyễn Nhất Kha cho biết, cơ quan Hải quan phải bảo mật thông tin của DN nên việc nhìn nhận đánh giá của cơ quan Hải quan đối với các DN sẽ không được cung cấp công khai, các DN phải chủ động tìm hiểu thông tin về đối tác.

Liên quan đến thắc mắc của một DN về việc trong quá trình kiểm tra sau thông quan nếu DN bị ấn định số tiền thuế lớn có bị cơ quan đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật? ông Kha cho biết, việc đánh giá mức độ tuân thủ của DN chủ yếu qua đánh giá hành vi. Các hành vi vi phạm lớn sẽ bị đánh giá tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.

Về vướng mắc đối của DN đối với mức phạt vi phạm hành chính dưới 10 triệu, ông Khai cho biết sẽ trao đổi lại với Ban soạn thảo thông tư để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của DN.

Theo Công ty Panasonic Việt Nam, nếu DN có mức độ tuân thủ cao nhưng tờ khai huỷ nhiều hay sửa nhiều thì sẽ ảnh hưởng như thế nào về phân loại tờ khai và đánh giá của cơ quan Hải quan về DN? Đại diện Công ty Pouchen cũng đề nghị, các DN dệt may da giày xuất theo tiến độ phụ thuộc vào đối tác nên phải huỷ tờ khai xuất thường xuyên. Đây là trường hợp bất khả kháng, đề nghị cơ quan Hải quan cần xem xét về tỷ lệ huỷ tờ khai so với tờ khai khai báo của DN.

Cùng chung quan điểm một DN thép kiến nghị, nếu DN mua hàng cùng một thời điểm với tần suất nhập nhiều mà đều phải qua luồng Đỏ để phân tích phân loại thì sẽ rất lãng phí. Do vậy, đối với các lô hàng cùng một tàu, cùng mặt hàng đề nghị cơ quan Hải quan xem xét kiểm tra hợp lý làm sao vẫn đảm bảo quản lý rủi ro mà tiết kiệm được chi phí cho DN.

Theo Công ty Apple Việt Nam, trong Dự thảo Thông tư có quy định về việc cơ quan Hải quan có quyền chia sẻ thông tin với các tổ chức cá nhân ngoài ngành, các cơ quan hải quan quốc tế. Như vậy có thể chia sẻ các thông tin gì? Làm sao đảm bảo thông tin của DN không bị sử dụng bởi các cơ quan khác. Ngoài ra, nếu DN sử dụng đại lý khai hải quan thì mức độ tuân thủ của đại lý có ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của DN?

Liên quan đến các nội dung nêu trên, ông Kha cho biết, Dự thảo thông tư sửa đổi đã quy định rõ, việc sửa đổi tờ khai phải dẫn đến xử phạt mới bị đánh giá về mức độ tuân thủ. Việc đánh giá rủi ro cũng phải dựa vào tiêu chí, lỗi sửa tờ khai sẽ tính toán trên số lượng mở tời khai thực tế của DN.

Về chia sẻ thông tin, ông Kha cho biết, cơ quan Hải quan hợp tác ký kết trao đổi thông tin nghiệp vụ quản lý rủi ro với Hải quan các nước trong quản lý rủi ro. Tuy nhiên việc cung cấp các thông tin DN khai báo đều có quy chế cụ thể để đảm bảo bảo mật thông tin cho DN. Việc DN sử dụng đại lý Hải quan thì mức độ tuân thủ của đại lý hải quan sẽ không ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của DN nhưng có thể bị xem xét về mức độ rủi ro.

Đối với các DN Thép, ông Kha cho biết, việc các tờ khai của mặt hàng thép thường xuyên rơi vào luồng đỏ dù tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành của DN thép chỉ chiếm chưa tới 10% là do thép nằm trong danh sách mặt hàng có mức độ rủi ro cao. Bên cạnh đó, nếu các đơn hàng đi qua các tuyến có rủi ro cao cũng sẽ được bổ sung vào danh sách quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan. Ngoài ra, trong một số trường hợp cơ quan Hải quan cũng phải thực hiện các yêu cầu từ các cơ quan kiểm tra chuyên ngành đối với một số mặt hàng không phân biệt đối xử giữa DN tuân thủ hay không tuân thủ. Trong các trường hợp này việc các tờ khai thường xuyên rơi vào luồng Đỏ cũng không ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của DN...

Nguồn:Haiquanonline.com.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/