Không đoàn kết sẽ khó trụ vững

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, tinh thần đoàn kết, sự hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được ví như chìa khóa để có thể trụ vững trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Giới doanh nhân cũng thừa nhận, cộng đồng doanh nghiệp Việt có nền tảng rất lớn để tăng tính đoàn kết và hợp tác. Họ có cùng nơi chôn nhau cắt rốn, cùng chia sẻ giá trị chung là tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc, mong muốn thúc đẩy đất nước phát triển.

Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ ĐỖ QUANG HƯNG: “Cộng sinh” mang lại nhiều lợi ích

Một đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% với hơn 600.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp nhà nước chiếm 1% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 2%. Do đó, khi đánh giá về sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp ở nước ta hiện nay, có thể lấy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa làm đại diện. Thực tế, hạn chế về vốn, quy mô sản xuất là nguyên nhân khiến cho phần lớn doanh nghiệp hoạt động khá cầm chừng, thiếu bền vững. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, không đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tư duy trong kinh doanh không lành mạnh dẫn đến tính đồng thuận và đoàn kết chưa cao. Hậu quả của tình trạng này là sự cạnh tranh về giá làm ảnh hưởng đến chất lượng và dịch vụ giảm, hiệu quả kinh doanh kém, không có sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp.

Gần đây, các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo được sự đồng thuận và đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang kết hợp cùng nhau đầu tư công nghệ, xây dựng năng lực tạo nên sức mạnh trong sản xuất kinh doanh và vươn ra thế giới.

Với tinh thần chủ đạo “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, sự đoàn kết, đồng thuận trong doanh nghiệp chúng tôi luôn được đề cao trong mỗi hoạt động của từng cá nhân, từng phòng ban cho đến tập thể công ty. Sự đồng thuận này thể hiện rõ nét hơn qua quá trình hơn 20 năm thành lập và phát triển bền vững của Khu công nghiệp Deep C (Đình Vũ). Hiện nay, Khu công nghiệp của chúng tôi đã thu hút được hơn 100 dự án từ những tập đoàn lớn trong và ngoài nước: Tập đoàn hóa chất Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Bridgestone (Nhật Bản), Proconco (Pháp), Chevron (Mỹ)… Những lợi ích mà chúng tôi có được từ sự đồng thuận đó là sự hợp tác tốt từ các đối tác liên doanh trong nội bộ công ty; đồng thuận tạo nên uy tín trong kinh doanh đối với các đối tác bên ngoài; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ; thu hút đầu tư, thêm nhiều đối tác, khách hàng tìm đến hợp tác kinh doanh. Sự đồng thuận, đoàn kết có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, từ việc chia sẻ, sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có một cách hiệu quả, sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng chung như đường cấp nước, hệ thống đường ống dẫn LPG, nhà máy xử lý nước thải… Sự “cộng sinh” đó giúp tránh lãng phí nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Giám đốc Chuỗi cửa hàng Bác Tôm TRẦN MINH CHIẾN: Không đoàn kết sẽ thua thiệt

Trong kinh doanh, cạnh tranh là bài toán “sống còn” đối với mỗi doanh nghiệp. Vì cạnh tranh, có tình trạng một số doanh nghiệp tìm mọi cách hạ bệ, triệt tiêu đối thủ với những thủ đoạn, hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Song, ở mặt tích cực, cạnh tranh giúp cho các doanh nghiệp biết mình đang ở đâu, yếu kém khâu nào, cần cải tổ ra sao, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội vươn lên, bứt phá. Như vậy, trong trường hợp này, rõ ràng đối thủ cạnh tranh thực sự có lợi cho doanh nghiệp!

Vậy phải chăng khi cạnh tranh lẫn nhau, các doanh nghiệp sẽ thiếu tính đoàn kết, đồng thuận, “mạnh ai nấy lớn”? Tôi cho rằng điều này hoàn toàn dung hòa được. Bởi lẽ, khi nhìn ở góc độ tích cực là phải có đối thủ cạnh tranh, chỉ khi doanh nghiệp đoàn kết, đồng thuận thì mới có thể học hỏi, chia sẻ được lẫn nhau.

Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sạch mà chúng tôi đang tham gia có sự cạnh tranh rất gay gắt, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà với cả doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, quản trị (con người) lớn hơn chúng ta rất nhiều. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nội sẽ không thể trụ được nếu “một mình giữa chợ”. Muốn trụ vững, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp nội cần đồng tâm hiệp lực với nhau.

Nhưng thực tế, nói thì dễ, làm mới khó. Ngay bản thân chúng tôi, mặc dù cũng có tinh thần chia sẻ, hợp tác cùng các doanh nghiệp trong nước khác song không phải người chủ doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng. Chỉ có một số ít doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, thông tin cho nhau.

Chúng ta có nền tảng rất lớn để tăng tính đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, đó là có cùng nơi chôn nhau cắt rốn, cùng là đồng bào, cùng chia sẻ chung giá trị là tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc, mong muốn thúc đẩy đất nước phát triển. Do vậy, cần khuếch trương tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước trong cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tạo nên tính đồng thuận, đoàn kết cao hơn nữa bởi nếu không, chúng ta sẽ thua thiệt, lép vế trước đối thủ ngoại.

Thêm vào đó, không thể không nhắc đến vai trò của các hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ doanh nghiệp với những quy định, thể chế rõ ràng để ràng buộc các thành viên phải có ý thức chia sẻ với nhau. Đương nhiên, Nhà nước cũng cần có cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hoạt động, như có các ưu đãi cho họ, hoặc đẩy mạnh công tác truyền thông chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các doanh nghiệp với nhau. Nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của cả phía quản lý nhà nước lẫn bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ khó xây dựng được tinh thần đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng hơn nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay.


Muốn tăng tính đồng thuận trong doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hiệp hội
Nguồn ITN

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc NGUYỄN TUẤN: Vai trò hiệp hội rất quan trọng

Cách đây khoảng chục năm, các doanh nghiệp trong nước đa phần tự cạnh tranh lẫn nhau, đặc biệt giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, từ vài năm nay, khi nền kinh tế nước ta đã hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn của thế giới. Điều này đã tạo ra sự thay đổi căn bản là các doanh nghiệp trong nước từng là đối thủ trước đây phải đoàn kết lại, chia sẻ thông tin để cạnh tranh với chính các doanh nghiệp ngoại.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một khoảng cách giữa DNNVV với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Trong nhiều trường hợp, khi cơ quan quản lý cần lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách nào đó, thường các doanh nghiệp lớn có cơ hội lên tiếng hơn so với khối DNNVV. Đâu đó vẫn thấy còn tình trạng doanh nghiệp lớn hơn “lobby” chính sách để tạo thuận lợi cho mình, hạn chế, thậm chí triệt tiêu cơ hội kinh doanh của DNNVV, cản trở gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Để tăng tính đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, vai trò của các hội/hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, trong khối DNNVV, các doanh nghiệp trong cùng nhóm hàng thường kết nối qua các trang mạng xã hội một cách tự phát mà không phải là các hiệp hội. Bởi thực tế, việc thành lập hiệp hội không hề đơn giản, mất nhiều thời gian. Đối với các hiệp hội đang hoạt động, DNNVV cũng khó được tham gia, đó thường là sân chơi của các doanh nghiệp lớn. Thêm nữa, số lượng hội viên trong các hiệp hội cũng hạn chế, trong khi hơn 95% trong tổng số hơn nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ.

Từ thực tế hiện nay, chúng tôi rất mong muốn được tạo điều kiện để tham gia vào các hiệp hội, được Nhà nước công nhận, tức là phải tạo cho chúng tôi tính chính danh. Chỉ khi đó, các DNNVV như chúng tôi mới có cơ hội nói lên tiếng nói của mình góp ý vào các chính sách. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có cơ chế ràng buộc để các doanh nghiệp cùng nhau hợp tác, chia sẻ trong một khuôn khổ quy định rõ ràng. Việc ban hành chính sách biết lắng nghe, tiếp thu, hài hóa ý kiến của nhiều phía, cả DNNVV lẫn doanh nghiệp lớn hơn cũng là một trong những tiêu chí để tăng tính đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh PHẠM XUÂN HỒNG:Trong từng doanh nghiệp phải đoàn kết

Với nhận thức ngày càng sâu sắc câu tục ngữ “buôn có bạn, bán có phường” nên các doanh nghiệp cũng đang cố gắng khắc phục khó khăn, tìm cách phối hợp với nhau. Do đó, sự hợp tác, phối hợp trong các doanh nghiệp ngày càng tiến bộ.

Đặc biệt, trong ngành dệt may càng phải phối hợp mạnh hơn vì đây là ngành nghề có nhiều điểm tương đồng về mã hàng, thị trường và khách hàng. Hơn nữa, để hình thành một chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên phụ liệu đến hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu đòi hỏi phải có sự kết nối với nhau. Cho nên, về chủ quan, bản thân ngành dệt may đã là một ngành yêu cầu sự kết nối với nhau. Ngoài ra, khi sức cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi sự kết nối càng phải vững mạnh hơn. Những yếu tố chủ quan và khách quan trên dẫn đến sự thay đổi ý thức của mỗi doanh nghiệp, thấy được tầm quan trọng của sự kết nối, đồng thuận với nhau trong làm ăn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa mặn mà do có thể trước mắt bản thân doanh nghiệp đó chưa đòi hỏi phải kết nối mạnh mẽ. Thế nhưng, về lâu dài, chắc chắn trong quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp đều rất cần đến yếu tố đồng thuận và kết nối giao thương với nhau. Điều này đòi hỏi tầm nhìn xa của người lãnh đạo doanh nghiệp.

Để tăng tính đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, trước tiên, trong từng doanh nghiệp phải tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết, phối kết hợp chặt chẽ. Muốn vậy, trước hết phải coi trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, tạo ra quan điểm, nhận thức về sự kết nối đối với từng cán bộ, từng người trong doanh nghiệp mình. Điều này đồng nghĩa mỗi công ty phải có một nền tảng tốt. Nền tảng này được tạo dựng qua thời gian để các thành viên hiểu nhau, lắng nghe và tôn trọng ý kiến lẫn nhau. Lý luận phải đi đôi với thực tiễn, nếu lãnh đạo công ty chỉ biết nói hay mà không mang lại lợi ích tập thể cho công ty thì sớm muộn cũng sẽ thất bại. Tất cả hành động đều vì mục tiêu chung của doanh nghiệp, lấy lợi ích của tập thể lao động để phấn đấu chứ không thể vì cái riêng, cái lợi của mình mà quên đi cái lợi của người lao động. Làm được như vậy, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ huy động được sức mạnh của cả tập thể.

Để có được sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp phải kể đến vai trò của hiệp hội trong việc tạo môi trường để các doanh nghiệp gắn kết với nhau. Gắn kết càng rộng thì càng khiến các doanh nghiệp phát triển mạnh hơn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh NGUYỄN PHƯƠNG BẮC:Đồng thuận phải dựa trên pháp luật

Tính đồng thuận và đoàn kết trong doanh nghiệp thể hiện trước hết là thái độ, khả năng hợp tác dựa trên tuân thủ pháp luật và nguyên tắc thị trường. Hai là hợp tác trên phạm vi quốc gia trong quá trình hội nhập để nâng cao khả năng cạnh tranh của đất nước. Ba là hợp tác giữa phía doanh nghiệp và Nhà nước để vận hành thị trường và thực thi pháp luật có hiệu quả, chú trọng đến đối thoại, tương tác để việc quản lý Nhà nước hiệu quả, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, an toàn, minh bạch hơn và ít rủi ro hơn.

Thực tế, tính đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp không mâu thuẫn với tính cạnh tranh, vì đồng thuận dựa trên những nguyên tắc và pháp luật, không vi phạm cạnh tranh. Hợp tác tuy có yếu tố văn hóa truyền thống nhưng trong kinh doanh cần tuân thủ pháp luật quốc tế, chuẩn mực quốc tế hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh từ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, cũng như năng lực cạnh tranh ngành, năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, ở góc độ chung thì đây là những vấn đề hết sức mới cần được nghiên cứu, truyền thông, định hướng những khung khổ cơ bản.

Để tăng tính đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, Nhà nước cần tôn trọng, phát huy vai trò của thị trường và các hiệp hội doanh nghiệp trong hợp tác giữa các doanh nghiệp và kiểm soát tốt, xử lý được các vi phạm trong cạnh tranh. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hiệp hội.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.12.2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao…; liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; có một số doanh nhân, doanh nghiệp thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh đến vai trò của của tổ chức đại diện doanh nghiệp như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). VCCI, các tổ chức chính trị - xã hội và hiệp hội doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác vận động chính trị trong đội ngũ doanh nhân bằng nhiều hình thức thích hợp; tập hợp, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân; tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập kinh tế quốc tế…

Các hiệp hội cần nâng cao năng lực hoạt động dựa trên Bộ Công cụ đánh giá hoạt động hiệp hội mà VCCI đã xây dựng gồm 6 chỉ số thành phần: Năng lực định hướng chiến lược; năng lực lãnh đạo và quản trị hiệp hội; năng lực tài chính và cơ sở vật chất; năng lực phục vụ hội viên; năng lực tham gia ý kiến và đề xuất kiến nghị chính sách, pháp luật và năng lực xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, các hiệp hội cũng cần tham gia vào các hoạt động đối thoại, thực tiễn tốt mà các địa phương đã ghi nhận như: Mô hình cà phê doanh nhân, tham gia phân tích đề xuất cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương (DDCI); bác sĩ doanh nghiệp. Đó là các mô hình hiệp hội tham gia vào xây dựng chính sách với Nhà nước cân bằng với  những hoạt động hỗ trợ hội viên; thể hiện kết nối đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Đan Thanh - An Thiện thực hiện
Nguồn:Daibieunhandan.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/