Doanh nghiệp dệt may chật vật xoay xở trong bộn bề khó khăn

Kinh doanh ảm đạm, doanh thu èo uột là tình cảnh chung của các DN dệt may Việt Nam từ đầu năm đến nay. Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm có nguy cơ kéo dài đến hết quý II/2023, đòi hỏi các DN dệt may cần linh hoạt ứng phó để duy trì ổn định sản xuất.

Tăng trưởng âm kéo dài

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), bước sang tháng 4/2023, ngành dệt may tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,06 tỷ USD, giảm 20,6% so cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước, tương đương gần 3 tỷ USD. Kể từ quý IV/2022 đến nay, xuất khẩu dệt may liên tiếp tăng trưởng âm.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính trong 4 tháng 2023. Ảnh: Đoàn Thảo NguyênKim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính trong 4 tháng 2023. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Thống kê của Vinatex cũng cho thấy, cả 5 thị trường xuất khẩu chính của dệt may đều giảm so cùng kỳ năm trước. Đó là: Thị trường Mỹ tiếp tục giảm mạnh tới 30%, đạt 1,15 tỷ USD; thị trường EU giảm 9,7% so cùng kỳ, đạt 349 triệu USD; thị trường Hàn Quốc giảm 21%, đạt 237 triệu USD và thị trường Nhật Bản giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong 4 tháng năm 2023, những thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm trên 30%, thị trường EU giảm 12%, duy nhất thị trường Nhật Bản tăng 6,6%.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính 4 tháng năm 2023 giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Đoàn Thảo NguyênKim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trường chính 4 tháng năm 2023 giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận định: Trong quý II/2023, ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine đẩy giá dầu, giá lương thực lên cao, khiến lạm phát tại Mỹ, EU dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm dẫn tới DN trong nước bị cắt giảm đơn hàng.

Linh hoạt sản xuất, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ

Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 đang gặp phải những khó khăn nhất định như thiếu hụt đơn hàng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả giữa các DN trong nước và ngoài nước. Vì vậy, May 10 chỉ duy trì sản xuất ở mức nhỏ lẻ.

Xuất khẩu dệt may trong tháng 4/2023 và lũy kế 4 tháng năm 2023 đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Đoàn Thảo NguyênXuất khẩu dệt may trong tháng 4/2023 và lũy kế 4 tháng năm 2023 đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

“Năm 2023, được dự báo là một trong những năm kinh tế khó khăn do sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu và May 10 cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự suy thoái. Những năm trước đây, May 10 có đơn hàng trước 9 tháng thậm chí là cả năm nhưng bây giờ DN cũng phải “ăn đong”, làm những đơn hàng dễ, giá thấp để duy trì hoạt động sản xuất của DN” – ông Thân Đức Việt cho hay.

Hai năm chịu tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, nhưng ngành dệt may đã tổ chức sản xuất linh hoạt các sản phẩm mới chưa có trong tiền lệ và đã thành công, trở thành bài học kinh nghiệm cho các DN. Với những định hướng đúng đắn của Vinatex trong xúc tiến thị trường và áp dụng linh hoạt các giải pháp căn cơ, hy vọng ngành dệt may sẽ sớm khởi sắc trở lại, tiếp tục trụ vững và phát triển.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, Vinatex cũng đề ra một số giải pháp đồng bộ giúp các DN duy trì ổn định sản xuất và thu nhập cho người lao động. Trước hết, các DN cần duy trì, củng cố vị trí trong chuỗi cung ứng hiện có và tìm kiếm gia nhập các chuỗi cung ứng mới.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đầy đủ, không trì hoãn các cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường, thực hiện chuẩn mực quản lý theo hướng kinh tế tuần hoàn mà các tổ chức, các thương hiệu lớn đã đặt ra cho toàn bộ thành viên trong chuỗi cung ứng.

Liên tục dự báo kết hợp với phân tích, cập nhật thị trường và đối thủ là điều cần thiết để có giải pháp sản xuất, kinh doanh linh hoạt nhất. Quan trọng là các DN cần tiếp tục đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực trẻ cho tương lai cần đổi mới, chuyển đổi của các đơn vị.

Nhấn mạnh về giải pháp ứng phó, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, để có thể giải quyết tình hình sản xuất khó khăn kéo dài như hiện nay, các DN cần thông tin kịp thời đến người lao động và tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt để đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, các DN đẩy mạnh nghiên cứu phương án tổ chức sản xuất giảm quy mô, tối thiểu hóa vốn lưu động, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu nhưng vẫn giữ được sức mạnh cốt lõi để đáp ứng được xuất khẩu trong tình hình mới.

Nguồn: Kinhtedothi.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/