Tiêu điểm: Lo ngại thiếu cục bộ lao động có kỹ năng để phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động và việc làm quý 3 và 9 tháng đầu năm đan xen nhiều gam màu sáng tối. Sự thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính.

50,8 triệu người là số lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên trong quý 3, tăng 3,5 triệu người so với quý III năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là 2,28% , giảm 1,7 điểm phầ n trăm so với cùng kỳ năm trước. 6,7 triệu đồng là mức thu nhập bình quân 1 tháng của người lao động. Trong đó khu vực Đông Nam Bộ dẫn đầu với 8,6 triệu đồng/tháng, theo sau là khu vực Đồng bằng Sông Hồng với 7,9 triệu đồng. 

Ngoài ra, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng – tức mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường đã giảm mạnh, từ 10,4% xuống còn 4,3% trong quý 3, gần bằng mức trung bình của những năm trước dịch Covid-19. 

Tuy nhiên vẫn tồn tại tình trạng thiếu lao động cục bộ trên phạm vi cả nước. Theo đó, trong quý III năm 2022, số lao động doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng không đạt yêu cầu là khoảng 511 .000 người. Trong đó, số lao động phổ thông bị thiếu hụt cục bộ là 372 .000 người , lao động có tay nghề là 139.000 người.

DOANH NGHIỆP THIẾU LAO ĐỘNG CỤC BỘ SAU DỊCH COVID-19 

Dưới góc độ Doanh nghiệp, câu chuyện thiếu hụt lao động là 1 trở ngại rất lớn. Dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp chật vật để duy trì hoạt động, tình trạng dịch chuyển lao động do dịch bệnh đã khiến 1 lượng lớn người lao động quay trở về quê, gây gián đoạn sản xuất. Sau khi dịch được kiểm soát, câu chuyện về nhân lực vẫn là vấn đề gây nhiều khó khăn cho Doanh nghiệp trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 với khoảng 60 - 70% nhân lực đã nghỉ việc, chuyển nghề. Sau 6 tháng Việt Nam mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vận hành trơn tru bởi thiếu nhân sự, dù đã liên tục đăng tin tuyển dụng.

Sự thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính. Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ nhiều nhất, với số lao động cần tuyển là 89,6 nghìn lao động.

DOANH NGHIỆP VÀ BÀI TOÁN NHÂN LỰC TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP

Cùng với thị trường hàng hoá-dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học-công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và chắc chắn cần được đổi mới và đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay. Là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam phải tuân thủ các "luật chơi" chung, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động. Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực, thế nhưng hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Đặc biệt là việc giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng, gây áp lực lên chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Do đó, thời gian tới các chuyên gia cho rằng, cần hướng đến các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, s ố liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số lao động có tay nghề được đào tạo tại Việt Nam hiện nay chỉ đạt hơn 26%, tương đối thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang chuyển từ nhân lực giá rẻ và số lượng sang nhân lực chất lượng cao một phần là để góp phần đảm bảo yêu cầu các nhà đầu tư thế hệ mới. Đồng thời thay đổi chiến lược đầu tư của Việt Nam thu hút đầu tư nhiều vào công nghệ và giảm mức sử dụng lao động về số lượng.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thực tế hiện nay, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thực hiện : Hằng Nga Văn Thắng Như Huỳnh Đức Minh Đào Nghĩa

Nguồn:quochoiitv.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/