Chờ chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ dệt may

7 tháng năm nay, Việt Nam chi hơn 15 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may. Điều này cho thấy ngành vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu và công nghiệp hỗ trợ ngành vừa thiếu, vừa yếu. Để cải thiện tình hình, các doanh nghiệp đang trông chờ Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030.

Mỗi tháng nhập khẩu 2 tỷ đô la nguyên phụ liệu

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may 7 tháng năm nay khá thuận lợi. Đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định nhờ chiến dịch vaccine thần tốc đã giúp tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Đơn hàng xuất khẩu tăng cao kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cũng tăng tương ứng. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 7 tháng ước đạt 15,48 tỷ USD, tăng 7,9%. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu - bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày… Chủ yếu nguyên phụ liệu nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc.

Điều này cho thấy ngành sản xuất dệt may trong nước tiếp tục phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, đồng thời phản ánh mức phát triển tương đối thấp của công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.

Ví dụ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 65 cơ sở, nhà máy may đang hoạt động. Tuy nhiên, cả tỉnh chỉ có 1 nhà máy sợi sản lượng 20.000 tấn/năm; 1 cơ sở thêu quy mô lao động 150 - 200 người và khoảng 18 cơ sở dệt thủ công khác. Như vậy, các cơ sở may mặc phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu cũng là điều dễ hiểu.

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may hiện vướng ở hai điểm lớn. Thứ nhất, một số địa phương cảm thấy ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này. Thống kê cho thấy gần 5 năm trở lại đây, không có dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dệt, nhuộm vì các địa phương lo ngại về vấn đề môi trường. Ý tưởng về những khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may, da giày, hóa chất, có hệ thống xử lý chất thải tập trung... được xới xáo vài năm trước rồi lại im bặt. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu rất lớn, nếu không có đầu ra, doanh nghiệp không thể và không dám đầu tư.

Mức phát triển của công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vẫn tương đối thấpMức phát triển của công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vẫn tương đối thấp
Nguồn: ITN

Đề xuất thành lập khu công nghiệp dệt may lớn

Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu không chỉ khiến ngành dệt may rơi vào cảnh "lấy công làm lãi" mà còn khó tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại khi các hiệp định yêu cầu hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi. Ví dụ, EVFTA yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU hoặc nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại Hiệp định.

Các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may đều chung nhận định, chỉ khi ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may bù đắp được phần lớn giá trị nhập khẩu thì giá trị gia tăng từ sản phẩm dệt may mới tăng cao và hưởng lợi tối đa từ các hiệp định thương mại.

Hiện tại, Bộ Công thương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hóa chất… "Chúng ta cần bảo đảm có nguồn vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do và dòng vốn ngoại mang lại", ông Trương Văn Cẩm nói.

Theo các chuyên gia, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần bảo đảm các vấn đề sau: các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu phải có đường giao thông thuận lợi, đồng thời gắn với hệ thống cảng biển; tạo liên kết chuỗi trong dệt nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm; cần có cơ chế về tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải. Trong chính sách, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành cũng cần phân rõ các vùng, địa phương trọng tâm trong quy hoạch các khu công nghiệp, các nhà máy xử lý nước thải để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phần cung thiếu hụt…

 
Vy Hương
Nguồn: Daibieunhandan.vn

 

 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/