Xu hướng phát triển bền vững trong ngành dệt may

Xu hướng bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu, mỗi nước có chính sách về bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm dệt may khác nhau nhưng đều hướng tới tính an toàn, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, hạn chế hóa chất, ảnh hưởng tới môi trường.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan chỉ ra, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỉ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tính từ năm 2012 đến nay. Tăng trưởng của nhóm hàng dệt may ở mức kỷ lục trong tháng 3/2022, đạt 3,05 tỉ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỉ USD so với tháng trước. 

Ðây được coi là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, thúc đẩy sản xuất. Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang có xu hướng tăng cao, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 48 tỷ USD vào cuối năm, tăng gần 6 tỷ USD so mục tiêu đề ra.

Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của ngành dệt may. Ảnh minh họa. 

Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến tháng 9, thậm chí nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm. Cụ thể, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, lượng đơn hàng của đơn vị tương đối dồi dào, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Ngoài những đơn hàng đáp ứng mùa vụ, hiện các mặt hàng truyền thống như veston, áo sơ-mi đã tăng trở lại và có những đơn hàng đã ký đến hết năm.

Còn theo bà Phạm Thị Phương, Tổng Giám đốc Tổng công ty may Hưng Yên (Hugaco), năm 2022, Hugaco phấn đấu đạt doanh thu khoảng 750 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng; thu nhập bình quân hằng tháng hơn 10 triệu đồng/người. Tuy nhiên, do những diễn biến khó lường của thị trường, đặc biệt là tình hình địa chính trị của các nước trên thế giới phức tạp khiến nguồn hàng những tháng cuối năm được dự báo sẽ không dồi dào như các năm trước. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, doanh nghiệp cần phải tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA). Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này, trong đó, yêu cầu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được.

Không chỉ riêng châu Âu, xu hướng bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu, mỗi nước có chính sách về bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm dệt may khác nhau nhưng đều hướng tới tính an toàn, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, hạn chế hóa chất, ảnh hưởng tới môi trường.

Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi kịp thời để đáp ứng quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại các thị trường khó tính, đồng thời bản thân doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở hạ tầng đạt chuẩn mực theo yêu cầu của nhãn hàng, nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Thanh Tùng

Nguồn:Vietq.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/