Xuất nhập khẩu bông, xơ sợi sôi động trong năm 2021, dự báo tiếp tục tăng trưởng năm 2022

Chịu ảnh hưởng từ giá bông thế giới, nhập khẩu bông Việt Nam năm 2021 tăng mạnh về trị giá ở mức 3,23 tỷ USD, tăng 41,6% so với năm 2020; trong khi xuất khẩu xơ, sợi cũng đột phá về kim ngạch, đạt 5,61 tỷ USD, tăng 50,2% so với năm 2020.

Chịu ảnh hưởng từ giá bông thế giới, nhập khẩu bông Việt Nam năm 2021 tăng mạnh về trị giá ở mức 3,23 tỷ USD, tăng 41,6% so với năm 2020; trong khi xuất khẩu xơ, sợi cũng đột phá về kim ngạch, đạt 5,61 tỷ USD, tăng 50,2% so với năm 2020
Xuất nhập khẩu bông, xơ sợi sôi động trong năm 2021, dự báo tiếp tục tăng trưởng năm 2022

Nhập khẩu hơn 5,7 tỷ USD bông và xơ sợi trong năm 2021

Theo báo cáo thống kê ngành xơ, sợi của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam tháng 1/2022, số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 12/2021, Việt Nam nhập khẩu bông trị giá 243,3 triệu USD, giảm 13,4% so với tháng trước; nhập khẩu xơ, sợi trị giá 257,8 triệu USD, tăng 15,6%; nhập khẩu vải các loại trị giá 1.376,6 triệu USD, tăng 2,9%; nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may da giày giảm 5,7% so với tháng trước tương đương trị giá 520,3 triệu USD.

Trong đó, lượng bông nhập khẩu tháng 12/2021 ước đạt khoảng 109,6 nghìn tấn, giảm 14,5% so với tháng trước, giảm 14,7% so với tháng 12/2020. Lượng xơ, sợi dệt các loại nhập khẩu khoảng 111,2 nghìn tấn, tăng 17,5% so với tháng trước, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính chung năm 2021, Việt Nam nhập khẩu bông trị giá 3,23 tỷ USD, tăng 41,6% so với năm 2020; nhập khẩu xơ sợi dệt các loại trị giá 2,55 tỷ USD, tăng 27,7%; nhập khẩu vải các loại 14,32 tỷ USD, tăng 20,6%; nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng 16,3% so với năm trước tương đương trị giá hơn 6,25 tỷ USD.

Trong đó, lượng bông các loại nhập khẩu cả năm 2021 ước đạt 1,68 triệu tấn, trị giá hơn 3,23 tỷ USD tăng 14,5% về lượng và tăng 41,6% về trị giá so với năm 2020. Lượng xơ sợi nhập khẩu hơn 1,09 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm trước; trị giá 2,55 tỷ USD tăng 27,7% so với năm trước. 

Giá nhập khẩu bông nguyên liệu tăng mạnh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bông về Việt Nam trong tháng 11/2021 ước đạt 128,18 nghìn tấn, trị giá 281,08 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 12% về trị giá so với tháng 10/2021, tăng 14,8% về lượng và tăng 66,1% về trị giá so với tháng 11/2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, lượng bông nhập khẩu về Việt Nam ước đạt 1,56 triệu tấn, trị giá 2,98 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 tháng năm 2021, có 11 thị trường cung cấp bông nguyên liệu cho Việt Nam, ổn định so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng nhập khẩu bông nguyên liệu của Việt Nam từ một số thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2020 như Australia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà. 

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất bông nguyên liệu từ Mỹ, chiếm 38,6% tổng lượng bông nhập khẩu của Việt Nam, với lượng nhập khẩu ước đạt 596 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 25,4% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 11/2021, lượng nhập khẩu bông từ thị trường này ước đạt 14,83 nghìn tấn, trị giá 32,65 triệu USD, giảm 31,1% về lượng và giảm 24,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu bông từ Brazil trong 11 tháng năm 2021 ước đạt 350 nghìn tấn, trị giá 649 triệu USD, tăng 22,1% về lượng và tăng 42,1% về trị giá so với 11 tháng năm 2020. Riêng trong tháng 11/2021, lượng nhập khẩu bông từ thị trường này ước đạt 28,09 nghìn tấn, trị giá 60,39 triệu USD, giảm 34,8% về lượng và giảm 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, nhập khẩu bông từ một số thị trường khác tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: từ Ấn Độ tăng 78%; Australia tăng 902,9%; Bờ Biển Ngà tăng tới 96,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu bông năm 2021 tăng về kim ngạch, chủ yếu do giá bông thế giới trên đà tăng mạnhNhập khẩu bông năm 2021 tăng về kim ngạch, chủ yếu do giá bông thế giới trên đà tăng mạnh

 

Giá bông nhập khẩu vào Việt Nam tháng 11/2021 ở mức 2.193 USD/tấn, tăng 194 USD/tấn so với tháng 10/2021 và tăng 677 USD/tấn so với tháng 11/2020 (tăng 9,8% so với tháng 10/2021 và tăng 44,7% so với tháng 11/2020).

Tính chung 11 tháng, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam ước đạt trung bình 1.904 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020. Giá bông nhập khẩu trung bình tăng ở hầu hết các thị trường trong 11 tháng năm 2021, với tốc độ tăng từ 15 - 40%.

Trong đó, giá bông nguyên liệu nhập khẩu từ Indonesia thấp nhất ước đạt 1.201 USD/tấn; tiếp đến là từ Ấn Độ ước đạt 1.613 USD/tấn và giá nhập khẩu từ Australia ước đạt mức cao nhất, ước đạt 2.162 USD/tấn.

Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam đánh giá, giá nhập khẩu bông nguyên liệu về Việt Nam biến động tăng theo giá bông thế giới. Giá bông thế giới vẫn trong xu hướng tăng mạnh, dự báo, giá nhập khẩu bông của Việt Nam sẽ vẫn trong xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo.

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp xơ lớn nhất

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xơ nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 11/2021 ước đạt 31,9 nghìn tấn, trị giá 40,61 triệu USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 13,4% về trị giá so với tháng 10/2021; giảm 35,2% về lượng, giảm 17,1% về trị giá so với tháng 11/2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, xơ nguyên liệu nhập khẩu ước đạt 354 nghìn tấn, trị giá 453 triệu USD, giảm 0,5% về lượng nhưng tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trung Quốc là thị trường cung cấp xơ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 11/2021 với lượng nhập khẩu ước đạt 13,93 nghìn tấn, trị giá 17,32 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và tăng 29,1% về trị giá so với tháng 10/2021; giảm 53% về lượng và giảm 38,6% về trị giá so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ Trung Quốc vào Việt Nam ước đạt 153,12 nghìn tấn, trị giá 181,45 triệu USD, chiếm 43,2% tổng lượng nhập khẩu, tăng 2,3% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với 11 tháng năm 2020.

Tháng 11/2021, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ Đài Loan (Trung Quốc) ước đạt 3,34 nghìn tấn, trị giá 3,92 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 16,7% về trị giá so với tháng 10/2021; giảm 33,4% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với tháng 11/2020.

Tính chung 11 tháng, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ Đài Loan (Trung Quốc) ước đạt 52,29 nghìn tấn, trị giá 58,05 triệu USD, chiếm 14,8% tổng lượng nhập khẩu xơ nguyên liệu của Việt Nam, giảm 6,1% về lượng nhưng tăng 10,6% về trị giá so với 11 tháng năm 2020.

“Đáng chú ý, lượng nhập khẩu xơ nguyên liệu từ một số thị trường tăng rất mạnh trong 11 tháng năm 2021 như Ấn Độ, Hồng Kông, Malaysia, Campuchia, Nga và Pakistan. Còn lại, lượng nhập khẩu xơ nguyên liệu từ các thị trường khác về Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2020”, báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam chỉ ra.

Tháng 11/2021, giá xơ nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam ước đạt trung bình 1.273 USD/tấn, giảm 0,2% so với tháng 10/2021, nhưng tăng 28,2% so với tháng 11/2020. Trong đó, giá xơ nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ thấp nhất ước đạt 1.015 USD/tấn; tiếp đến là từ Malaysia ước đạt 1.149 USD/tấn. Giá nhập khẩu cao nhất là từ thị trường Singapore với mức giá 4.896 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, trên thị trường thế giới, tồn kho xơ ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ bông Tân Cương của Mỹ đã tác động mạnh đến chuỗi cung - cầu xơ, khiến nhu cầu xơ tăng cao. Với sự phục hồi về sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận tiện và đơn hàng tiếp tục gia tăng, dự báo nhập khẩu xơ sẽ phục hồi trong thời gian tới.

11 tháng năm 2021, xơ nguyên liệu nhập khẩu ước đạt 354 nghìn tấn, trị giá 453 triệu USD11 tháng năm 2021, xơ nguyên liệu nhập khẩu ước đạt 354 nghìn tấn, trị giá 453 triệu USD

 

Xuất khẩu xơ, sợi tăng trưởng tích cực

Tháng 12/2021, xuất khẩu xơ, sợi của Việt Nam ước đạt trị giá 534,9 triệu USD, tăng 4,4% so với tháng trước; xuất khẩu vải ước đạt trị giá 277,3 triệu USD, tăng 13,4%; nguyên phụ liệu dệt may da giày với giá trị 213,7 triệu USD, tăng 9,6%; xuất khẩu vải kỹ thuật giảm 3,6% tương đương trị giá 66,4 triệu USD.

Trong đó, riêng khối lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 12/2021 ước đạt 123,9 nghìn tấn, giảm 21,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt hơn 3,61 tỷ USD, tăng 18,7% so với tháng trước, tăng 27,7%.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu xơ, sợi ước đạt trị giá hơn 5,61 tỷ USD, tăng 50,2% so với năm trước; xuất khẩu vải ước đạt trị giá 2,55 tỷ USD, tăng 31,4%; nguyên phụ liệu dệt may da giày với giá trị 1,99 tỷ USD, tăng 18,2%; xuất khẩu vải kỹ thuật tăng 72,1% so với năm 2020 tương đương trị giá 784,7 triệu USD.

Khối lượng xơ, sợi dệt các loại Việt Nam xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 1,89 triệu tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.

11 tháng xuất khẩu 1,77 triệu tấn xơ sợi 

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam trong tháng 11/2021 ước đạt 157,3 nghìn tấn, kim ngạch 512,3 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 9,4% về kim ngạch so với tháng 10/2021; giảm 7,9% về lượng nhưng tăng 38,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi của Việt Nam ước đạt 1,77 triệu tấn, kim ngạch 5,077 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 53,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Nhìn chung, xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam sang các thị trường chính trong 11 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng 11,9% về lượng và tăng 44,3% về kim ngạch; chiếm 53,9% tổng lượng và chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam 11 tháng. 

Xuất khẩu xơ, sợi dệt sang Bangladesh tăng trưởng mạnh nhất, tăng 112,8% về lượng và tăng 252,3% về kim ngạch.

Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 ước đạt 2.870 USD/tấn, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu xơ, sợi dệt sang Sri Lanka ước đạt mức cao nhất, ước đạt 7.515 USD/tấn và giá xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Anh ước đạt mức thấp nhất, ước đạt 978 USD/tấn.

Bối cảnh thuận lợi

Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nhận định, trong khi các doanh nghiệp dệt may có thể bị ảnh hưởng trở lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động tới khâu đầu vào, thị trường tiêu thụ và khâu sản xuất, thì các doanh nghiệp dệt nội địa được dự báo tăng trưởng khả quan.

Kết quả trên có được là do:

Thứ nhất, ngành sợi không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do là ngành không cần nhiều lao động.

Thứ hai, giá sợi đã tăng 25% do năng suất sản xuất của vụ bông vừa qua thấp và sản lượng bông tồn kho toàn cầu cũng giảm đáng kể. Cùng với đó, dịch bệnh kéo theo nhu cầu nhu cầu tiêu thụ sợi toàn cầu tăng lên để đáp ứng các đơn hàng thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang.

Thứ ba, ngành sợi Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển toàn cầu. Trước xu hướng sự dịch chuyển các đơn hàng rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành nước được hưởng lợi, lượng nhập khẩu xơ, sợi của Việt Nam tăng mạnh, vượt qua Trung Quốc kể từ năm 2019. Việt Nam cũng lần đầu tiên vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xơ, sợi lớn thứ 6 trên thế giới.

Việt Nam đã vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xơ, sợi lớn thứ 6 trên thế giới.Việt Nam đã vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xơ, sợi lớn thứ 6 trên thế giới

 

Thứ tư, nhờ khả năng chống dịch giai đoạn này tốt hơn các nước xuất khẩu xơ, sợi khác, Việt Nam trở thành điểm sáng giữa các quốc gia đang phát triển khác đang vật lộn vì dịch bệnh, chứng kiến sự giảm mạnh trong nhập khẩu xơ, sợi như Bangladesh, Indonesia.

Thứ năm, hiệu ứng từ các Hiệp định thương mại tự do gần đây của Việt Nam như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xơ, sợi trong nước.

Để được hưởng mức ưu đãi thuế quan của các hiệp định này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, thông thường là nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định.

Như với EVFTA, nguyên liệu phải có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam hoặc từ các đối tác có hiệp định thương mại tự do với EU; tương tự với hiệp định CPTPP. Do đó, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang dần chuyển đổi theo hướng gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước và giảm tỷ trọng các nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Thứ sáu, các doanh nghiệp sợi nội địa đang được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá. 

Trong quý III/2021, các nhà sản xuất sợi nội địa đã phối hợp với các công ty tư vấn và làm việc với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) về vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi polyester filament xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ được áp dụng từ ngày 21/9/2021, sau đó thuế suất chính thức được công bố vào ngày 13/10/2021.

Theo quyết định của Bộ Công Thương, hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá 17,45%. Trong khi các nhà sản xuất sợi của Ấn Độ, Indonesia và Malaysia sẽ chịu mức thuế lần lượt là 54,9%, 21,90% và 21,3%.

Giới phân tích đánh giá động thái này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sợi gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, nhất là đối với phân khúc sợi tái chế và cải thiện biên độ lợi nhuận gộp trong năm 2022-2023.

“Xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng, các doanh nghiệp ngành sợi Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất để nắm bắt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, cũng như đón đầu xu hướng trong tương lai”, báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nhận định.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/