Doanh nghiệp dệt may chật vật xoay xở trong đại dịch

2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Mặc dù các doanh nghiệp (DN) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, song dự báo, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may năm nay sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2019, "cán đích" tối đa khoảng 34 tỷ USD.

“Ăn đong” đơn hàng

Theo thông lệ hằng năm, thời điểm này các DN dệt may đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến tổng cầu giảm mạnh, các DN dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Đáng chú ý, các DN dệt may gần như chưa có đơn hàng các tháng cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp... Cùng với đó, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là “cứu cánh” cho nhiều DN may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do nguồn cung đã được đẩy mạnh trên toàn thế giới.

Nói rõ về khó khăn thiếu đầu ra cho sản phẩm, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, DN sau khi giải quyết được nguồn nguyên liệu đầu vào thì lại gặp khó đầu ra cho các sản phẩm. Từ tháng 3 tới nay các đơn hàng lớn của May 10 bị sụt giảm mạnh, điển hình như đơn hàng của thị trường Mỹ, châu Âu. Đáng chú ý, đơn hàng về các mặt hàng chủ lực của May 10 trong những năm qua như veston, sơ mi, quần âu và các sản phẩm thời trang công sở bị cắt giảm mạnh, thậm chí có thời điểm không có giao dịch nào. “Thông thường, các đơn hàng được nhận trước từ 3-6 tháng, nhưng với tình hình hiện tại, các đơn hàng dệt may gần như tháng nào nhận hàng tháng đó”-ông Thân Đức Việt cho hay.

Nhận định về kết quả của ngành dệt may trong năm 2020, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho rằng, kim ngạch XK ngành dệt may năm 2020 có thể đạt được cao nhất khoảng 34 tỷ USD (trong khi mục tiêu đặt ra là 40-42 tỷ USD). Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã khiến văn hóa tiêu dùng của người dân thay đổi, chuyển sang chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu chứ không đặt nặng vấn đề mua sắm như trước. Chính điều này đã dẫn đến sức mua toàn cầu giảm mạnh.

Còn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra dự đoán thận trọng hơn: Năm nay kịch bản khả quan là XK dệt may vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường, việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn. Với tình hình thị trường suy giảm sâu, bất định và khó dự đoán, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có và là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Vinatex.

Doanh nghiệp dệt may chật vật xoay xở trong đại dịch
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: HOÀNG SƠN

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, kim ngạch XK hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện chỉ có một số DN nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, đơn hàng các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.

Đẩy mạnh thị trường nội địa

Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai nên nhiều gia đình có chính sách “thắt lưng buộc bụng”, dè dặt trong chi tiêu. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, từ nay tới cuối năm, DN dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng XK bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Đề cập những giải pháp vượt khó cho DN, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định, ông Nguyễn Văn Miêng cho biết: Để duy trì việc làm cho người lao động, DN đã có những xoay chuyển trong cơ cấu sản xuất, mở rộng thị trường nội địa. Cụ thể, công ty sẽ tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất và cung cấp cho các công ty may. Đồng thời, nâng cao liên kết chuỗi sợi-dệt-nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển. 

Trong bối cảnh hiện tại, ông Vũ Đức Giang khuyến cáo các DN dệt may thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh, ví dụ khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... Ngoài ra, để tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu, Vitas đề nghị Chính phủ thúc đẩy các chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dệt may phát triển ổn định; đặc biệt xây dựng chuỗi kết nối giải quyết căn cơ vấn đề nguyên phụ liệu...

MINH ĐỨC

Nguồn: qdnd.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/