Ngành dệt may linh hoạt để thích ứng

Dự báo quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tiếp tục giảm sâu do thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Do đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi linh hoạt để thích ứng.

Xuất khẩu giảm 20%

Ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong nước đã giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019, hết tháng 6 dự báo sẽ là 20%. "Sản phẩm hoàn thiện hiện đang chất đầy trong kho của doanh nghiệp mà không xuất đi được" - ông Trường lo lắng nói.

nganh det may linh hoat de thich ung
Dự báo kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam sẽ giảm sâu

Có trường hợp như Tổng công ty May 10- CTCP, những đơn hàng bị dừng sản xuất trong tháng 3,4,5 dù được nhà nhập khẩu cho sản xuất lại nhưng đề nghị giao hàng từ tháng 1/2021 và chưa có thêm đơn hàng mới. Theo ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc May 10, "đây là câu chuyện cực kỳ khủng khiếp".
Nguyên nhân của tình trạng trên vẫn là do dịch bệnh khiến các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam đóng cửa, người dân mất việc làm, không có thu nhập, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may sụt giảm mạnh.
Một khía cạnh khác mà ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - chỉ ra, đó là, dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến văn hóa tiêu dùng thay đổi đáng kể. Thay vì đi siêu thị hoặc mua online với số lượng lớn, người tiêu dùng chi tiêu nhỏ giọt hơn, ưu tiên cho các mặt hàng nhu yếu phẩm. Với hàng dệt may, đồ cao cấp hoặc có giá thành cao, sử dụng trong những sự kiện trang trọng như veston, sơmi không còn nằm trong danh sách lựa chọn…
Chuyển đổi nhanh các mặt hàng sản xuất
Từ nay đến cuối năm, ông Lê Tiến Trường nhận định là giai đoạn rất khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Còn theo ông Vũ Đức Giang, quý III/2020, mới thực sự là điểm rơi thấp nhất của dệt may Việt Nam, mức giảm về kim ngạch xuất khẩu sẽ sâu hơn rất nhiều so với quý I và II/2020. Với tình hình đó, xuất khẩu của dệt may năm 2020 nhiều nhất cũng chỉ đạt khoảng 34 tỷ USD. Một điểm đáng lo nữa, đó là người lao động vốn được xem là tài sản lớn nhất của ngành dệt may, nhưng nếu đơn hàng thiếu hụt kéo dài đến sang năm, doanh nghiệp không thể bảo toàn việc làm cho người lao động. Khi đó, bên cạnh gánh nặng xã hội, kêu gọi lao động quay trở lại làm việc khi có đơn hàng là câu chuyện cực khó với doanh nghiệp dệt may.
Tuy nhiên, dấu hiệu tốt là tại Mỹ- thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn của dệt may Việt Nam- số người nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm. Theo ông Lê Tiến Trường, điều này rất quan trọng, người lao động có việc làm, có thu nhập và sẽ có chi tiêu. Hơn nữa, sau hơn 5 tháng hạn chế, một số mặt hàng đã đến ngưỡng phải thay mới như đồ lót, quần áo ngủ. 
Do vậy, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước nên nhanh chóng chuyển đổi sản xuất từ mặt hàng cao cấp sang các mặt hàng có giá thành thấp, áo sơmi basic. "Đây chưa phải là giải pháp lâu dài nhưng phù hợp với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường bất định như hiện nay" - ông Trường nói.
Cùng quan điểm, ông Vũ Đức Giang cho biết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề xuất doanh nghiệp chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang một số mặt hàng cấu trúc có thể phức tạp hơn như bộ quần áo bảo hộ lao động nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng đồng thời giải quyết bài toán duy trì sản xuất. 

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 

Mặc dù khó về xuất khẩu nhưng hiện tại là thời điểm đầu tư tốt nhất, vì vậy Chính phủ xem xét sớm mở cửa cho phép các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài, nhất là chuyên gia về máy móc, thiết bị nhập cảnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, vận hành các dự án dệt nhuộm.

Việt Nga

Nguồn:Congthuong.vn

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/