Đầu tư sản xuất khẩu trang vải qui mô lớn phải thận trọng

Trong bối cảnh dịch Covid-19, sản xuất khẩu trang vải phòng dịch trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất...

Trước nhu cầu khẩu trang vải phòng dịch tăng cao, việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng này để thích ứng với những biến động được xem là giải pháp hiệu quả. Tuy vậy, Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp cần thận trọng khi đầu tư quy mô lớn. 

Trong những năm qua, dệt may là một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid 19 xảy ra, ngành dệt may phải đối mặt với "cú sốc kép" bởi các doanh nghiệp dệt may nước ta vừa bị đứt nguồn cung nguyên liệu và các khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.

dau tu san xuat khau trang vai qui mo lon phai than trong hinh 1
Sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải là giải pháp khả thi giúp doanh nghiệp dệt may giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang vải phòng dịch trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền cải tiến sản phẩm để người tiêu dùng có thể sử dụng khẩu trang trong thời gian dài, đảm bảo khẩu trang vừa khít với khuôn mặt, nâng cao tác dụng che chắn, lọc khuẩn của khẩu trang.

Hiện nay, năng lực sản xuất khẩu trang vải phòng dịch của Việt Nam là rất lớn. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tương đương 200 triệu chiếc mỗi tháng.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, việc sản xuất khẩu trang chỉ là phương án tạm thời, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh thiếu đơn hàng, còn xuất khẩu là vấn đề phải tính kỹ lưỡng.

 

Theo ông Cẩm: "Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một việc, ví dụ xuất khẩu đi một số thị trường, như sang châu Âu, người ta cũng có những quy định rất khắt khe đối với các tiêu chuẩn khẩu trang nên khi làm việc với đối tác thì cần phải tìm hiểu rất cụ thể. Nếu chúng ta xuất khẩu sang mà không đạt tiêu chuẩn sẽ rất phiền phức. Còn ban đầu từ khi xuất khẩu khẩu trang thì các doanh nghiệp cũng gặp một số vướng mắc như Hải quan, người ta cũng chưa phân biệt rõ khẩu trang y tế với khẩu trang vải kháng khuẩn thông thường, cho nên cũng có những khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hiệp hội dệt may Việt Nam đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan và đã có giải pháp cho vấn đề này. Hiện nay các doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu khẩu trang tương đối thuận lợi".

Mặc dù Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới, nhưng theo phân tích của đại diện Bộ Công Thương, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố như trên thị trường thế giới, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phổ biến.

Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người tiêu dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Điểm đáng lưu ý là khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống.

Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao. Các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải./.

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/