Ngành dệt may Việt Nam thừa lực cung ứng khẩu trang

Nhấn mạnh về khả năng cung ứng khẩu trang của DN trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, với năng lực sẵn có, ngành dệt may Việt Nam có thể sản xuất đủ khẩu trang theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của người dân trong PCDB.

Tăng tốc cung ứng khẩu trang ra thị trường
Hoạt động sản xuất khẩu trang tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Hà Nội. Ảnh: GIA HÂN

Thông tin rõ về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Ngô Khải Hoàn cho biết, hiện các DN Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, xử lý kháng khuẩn, kháng nước cho khẩu trang. Qua tổng hợp tình hình sản xuất khẩu trang vải của hơn 20 tập đoàn, DN lớn trong ngành dệt may, tính đến ngày 31-3-2020, tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể đưa ra thị trường là khoảng 57 triệu chiếc, năng lực sản xuất hơn 1,1 triệu chiếc/ngày. Về nguồn nguyên liệu vải may khẩu trang, số lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 là 630 triệu mét vuông vải dệt từ sợi tự nhiên; 1,2 tỷ mét vuông vải dệt từ sợi nhân tạo. Tổng cả hai loại vải đạt 5 triệu mét vuông/ngày. Bên cạnh đó, hiện nay, lượng vải tồn trong thương mại, trong DN cũng còn tương đối. Lượng vải này có thể gia công kháng khuẩn để đưa vào may khẩu trang vải kháng khuẩn mà chưa cần vải dệt mới. Ngoài ra, do dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc nên nguồn vải từ thị trường này bắt đầu được nhập về Việt Nam. “Có thể khẳng định Việt Nam không thiếu vải để sản xuất khẩu trang”, ông Ngô Khải Hoàn nêu rõ.

Thành lập tổ công tác kết nối cung cầu 

Lý giải vì sao năng lực sản xuất khẩu trang vải của DN Việt Nam rất lớn nhưng thời gian qua có tình trạng khan hiếm, ông Ngô Khải Hoàn cho hay, mặc dù số lượng DN dệt may có khả năng vừa có nguồn cung vải, vừa may được khẩu trang, nhưng họ không sản xuất mặt hàng này vì họ chủ yếu gia công theo đơn hàng xuất khẩu. Bản thân DN không có kênh phân phối trong nước nên không biết sản xuất ra để bán cho ai. Bất cập dẫn tới tình trạng khan hiếm khẩu trang như hiện nay chính là sự thiếu kết nối giữa cung-cầu, thiếu thông tin về nhà cung ứng và điểm bán khẩu trang đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường.

Cùng chung quan điểm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, năng lực sản xuất khẩu trang của các DN dệt may hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. DN luôn sẵn sàng chia sẻ cùng cộng đồng để chung tay PCDB, tuy nhiên, nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm khiến nhiều DN chưa mặn mà sản xuất khẩu trang. “Hiện nay rất cần sự vào cuộc của DN phân phối và các cơ quan quản lý nhà nước để DN sản xuất bảo đảm đầu ra”, ông Trương Văn Cẩm đề xuất.

Ở góc độ DN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định Đào Văn Phương cho biết, năng lực của công ty có thể bảo đảm sản xuất 10 triệu khẩu trang một tháng, song đại diện DN lo lắng tình trạng đầu ra sản phẩm nên đề xuất Bộ Công Thương kết nối với DN phân phối.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường, đại diện Cục Công nghiệp và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đều có kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để đặt hàng khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thường) từ các nhà sản xuất, để họ chủ động có kế hoạch tăng sản lượng và cung cấp cho các hệ thống phân phối bán lẻ, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận khẩu trang vải PCDB. Cùng với đó, để hỗ trợ người dân dễ dàng mua khẩu trang vải, Bộ Y tế chỉ đạo các hệ thống nhà thuốc bán khẩu trang vải song song với khẩu trang y tế phòng bệnh. 

Để bảo đảm nguồn khẩu trang vải tới tay người dân, giúp DN yên tâm sản xuất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Công nghiệp và Vụ Thị trường trong nước thành lập tổ công tác của Bộ Công Thương về kết nối cung cầu. Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các hiệp hội, DN trong việc xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực bảo đảm nguồn nguyên liệu và sản xuất khẩu trang vải phục vụ nhu cầu của người dân phòng bệnh; làm việc với các tập đoàn, DN phân phối lớn có hệ thống phân phối, siêu thị, bán lẻ trên địa bàn cả nước để tham gia vào chuỗi cung ứng khẩu trang phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tổ công tác phối hợp làm việc với các địa phương để cập nhật thông tin, số liệu liên quan đến việc cung ứng khẩu trang. Từ đó, có phương án làm việc với Bộ Y tế, đề xuất với Chính phủ xem xét sử dụng ngân sách nhà nước hoặc ngân sách nhà nước đã được giao cho các địa phương quản lý để mua khẩu trang cung cấp miễn phí cho các đối tượng xã hội như người già, trẻ em và người có bệnh nền để phòng, chống dịch Covid-19...

VŨ DUNG

Nguồn: Qdnd.vn