Đà Nẵng: Doanh nghiệp dệt may gặp khó trong tuyển dụng lao động

Mặc dù dệt may là ngành được dự báo là sẽ chịu tác động mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 với sự can thiệp mạnh mẽ của máy móc tự động, sẽ làm giảm đáng kể lượng lao động thâm dụng của ngành, tuy nhiên, trên thực tế, hiện tại, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông.

Ông Hồ Sỹ Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Kad Industrial SA Việt Nam (VINA KAD) (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, hiện các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang rất “chật vật” để tuyển dụng lao động, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành dệt may đang rất phổ biến. Năm 2019 Công ty VINA KAD có kế hoạch tuyển dụng thêm 300 lao động nhưng nguồn cung ứng rất khó khăn.

da nang doanh nghiep det may gap kho trong tuyen dung lao dong
Đặc thù là ngành thâm dụng lao động, doanh nghiệp dệt may Đà Nẵng đang chật vật trong tuyển dụng lao động

Theo ông Tân, các lao động phổ thông hiện nay luôn để chọn lựa làm công nhân dệt may, thủy sản ở phía dưới cùng, bởi đa phần các doanh nghiệp dệt may nằm trong khu công nghiệp xa thành phố, ngành dệt may mức thu nhập không cao so với một số ngành công nghiệp dịch vụ - trong bối cảnh Đà Nẵng đã chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và kể cả khi đã vào làm luôn sẵn sàng có tâm lý nhảy việc.

Còn theo bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ (Ông Ích Đường, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) với đặc thù là một doanh nghiệp thâm dụng lao động, cùng với sự mở rộng quy mô sản xuất hiện 16 công ty thành viên của Hòa Thọ ở nhiều tỉnh thành từ Quảng Trị - Quảng Ngãi đang sử dụng đến gần 12.000 lao động. Trong đó, có đến 10.683 lao động là lao động trình độ phổ thông chiếm đến 89,62%. Tuy nhiên, việc tuyển dụng và trình độ năng lực của lao động trẻ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đơn vị phải liên tục tự đào tạo qua nhiều hình thức như liên kết với các trường đào tạo có chuyên ngành liên quan, cử người lao động tham dự các khóa đào tạo ngắn ngày do các Trung tâm chức năng tổ chức, đi tham quan học tập tại các đơn vị cùng ngành và đào tạo tích cực qua hình thức tự đào tạo nội bộ. 

Bà Anh cho biết, hiện lực lượng lao động tại Hòa Thọ cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu muốn mở rộng và phát triển, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 là rất khó bởi mặc dù hiện đã có nhiều cơ sở dạy nghề May nhưng thiết bị giảng dạy, máy móc thực hành đang lạc hậu rất nhiều so với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay việc tuyển sinh các học viên học nghệ may tại các cơ sở đào tạo và việc tuyển dụng lao động phổ thông có trình độ năng lực trong ngành dệt may tại doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng quan điểm như ông Tân, bà Anh cho rằng hiện lao động đang có nhiều lựa chọn, mà xu hướng họ lựa chọn ngành thương mại dịch vụ. Cùng với đó, hoạt động chiêu sinh để đào tạo nghề không thu hút được học viên do học viên chưa nhìn thấy được cơ hội việc làm, cơ hội hoàn thiện và phát triển bản thân sau khi đào tạo, trong khi đó, quan điểm của nhiều gia đình và xã hội vẫn đặt nặng và trọng vọng các loại văn băng, bằng cấp có trình độ cao.

Ông Tân đề xuất để giữ chân người lao động phải có cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ để phục vụ công nhân. “Chúng tôi rất cận sự đầu tư, hỗ trợ từ phía chính quyền về nhà ở cho công nhân. Mặc dù hiện ở Khu công nghiệp Hòa Khánh đã có dự án nhà ở xã hội nhưng công nhân muốn tiếp cận thì không dễ do nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, các thiếu chế văn hóa đi kèm như nhà trẻ, chợ, nơi sinh hoạt văn hóa, giải trí còn thiếu nghiêm trọng nên người lao động chỉ làm 1 vài năm rồi về quê”, ông Tân nói và cho biết thêm, cần phải có sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa nơi đào tạo lao động, trường dạy nghề với các doanh nghiệp như doanh nghiệp dệt may. Bởi thực tế hiện nay việc doanh nghiệp tiếp cận trường dạy nghề là khá khó, tuyển dụng nguồn lao động phổ thông có trình độ đang gặp rất nhiều khó khăn.

da nang doanh nghiep det may gap kho trong tuyen dung lao dong
Thiếu nhà ở và thiết chế văn hóa liên quan là một nguyên nhân lớn khiến lao động dệt may không gắn bó lâu dài (Ảnh minh họa: Phối cảnh dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Hòa Cầm Đà Nẵng)

Cũng có quan điểm tương tự, bà Trần Tường Anh cho rằng để có lực lượng lao động trong ngành dệt may đủ về lượng và mạnh về chất thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn của học viên ngành Dệt may để đảm bảo sau khi tốt nghiệp họ có thể trở thành những lao động chính thức mà không phải đào tạo lại. Muốn như vậy phải có sự liên kết giữa 2 bên, trong đó, cơ sở đào tạo phải cân đối lại số giờ học giữa lý thuyết và thực hành, để học viên tiếp xúc với máy móc, thực hành tại doanh nghiệp nhiều hơn.

 “Cần có cơ chế tài chính về việc chia sẻ kinh phí đào tạo giữa doanh nghiệp và Nhà trường nếu Nhà trường có thu phí đào tạo. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần có một khoản chi phí cho học viên nếu họ làm ra những sản phẩm đạt chất lượng trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, có như vậy mới thu hút và giữa chân được lao động có trình độ tay nghề”, bà Tường Anh đề xuất.

Ngoài ra, ngành dệt may được dự báo sẽ chịu tác động mạnh của CMCN 4.0 với sự can thiệp sâu của máy móc, thiết bị vào tự động hóa sản xuất, các doanh nghiệp dệt may và cơ sở đào tạo cũng phải chủ động cập nhật thông tin để đào tạo nguồn nhân lực theo kịp sự phát triển, tránh bị đào thải.           

Nguồn: Congthuong.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/