Ngành may thiếu vải

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, nghịch lý hiện nay, chúng ta là nước sản xuất lượng xơ sợi lớn mà lại không có vải, phải nhập về để sản xuất.

Làm sao để có 20 tỷ mét vải?

Việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là một thị trường rất lớn cho ngành bông sợi, dệt may Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp than thở, cản trở lớn nhất hiện nay với họ là “ràng buộc” về quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu theo quy định của CPTPP.

Hiệp định quy định, toàn bộ sản phẩm dệt may xuất khẩu, ngay từ khâu sản xuất xơ sợi, nhuộm… đến vải, quần áo thành phẩm đều phải được sản xuất trong nội khối CPTPP thì mới được hưởng thuế xuất – nhập khẩu bằng 0%.

Thuế suất 0% là “miếng bánh ngon” cho các doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc Việt Nam, trong khi thị trường CPTPP rất lớn với 11 nước tham gia (mà các nước này lại không có lợi thế về sản xuất đồ may mặc).

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, sản phẩm xuất xứ Việt Nam hiện nay chủ yếu là đồ may mặc và đó chỉ là “cái ngọn”, còn cái gốc là vải thì chúng ta không có. 70% lượng vải để sản xuất đồ may mặc phải nhập khẩu từ Trung Quốc; còn từ các nước như Nhật Bản, Malaysia (trong nội khối CPTPP) rất ít. Để được hưởng lợi từ CPTPP thì phải bắt tay “nội địa hóa” toàn bộ các sản phẩm là nguyên phụ liệu cho ngành may mặc. Trong đó, cái mà chúng ta đang rất thiếu là vải.

70% vải để phục vụ ngành may mặc tại Việt Nam hiện nhập khẩu từ Trung Quốc

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (khâu đầu của công nghiệp dệt may Việt Nam), cho biết, 99% hàng phụ trợ của ngành may mặc chính là vải, nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ dừng ở khâu sản xuất sợi nên tỷ lệ lớn vải phải nhập khẩu về để may mặc.

Bài toán được các chuyên gia nêu ra là phải thu hút đầu tư vào sản xuất vải tại Việt Nam. Căn cứ vào tổng kim ngạch dệt may, năm 2019 dự kiến đạt khoảng 40 tỷ USD; ông Nguyễn Văn Tuấn tính toán, toàn ngành đang cần 10 tỷ mét vải. Hiện chúng ta đang làm ra khoảng 2 triệu tấn sợi/năm. Số sợi này đủ cho sản xuất 10 tỷ mét vải. Nhưng tréo ngoe ở chỗ, 2/3 lượng sợi là để xuất đi, chỉ còn 1/3 để lại Việt Nam làm vải.

Với tốc độ phát triển của ngành dệt may là 15% hiện nay, dự kiến đến năm 2025, quy mô dệt may Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, nhu cầu về vải sẽ lên tới 20 tỷ mét. Vậy làm cách nào để sau 5 năm nữa, chúng ta có đủ 20 tỷ mét vải mỗi năm?

“Theo tôi, kể cả không có CPTPP thì nhiệm vụ sống còn của ngành dệt may Việt Nam là phải đầu tư sản xuất vải, để tăng giá trị, chứ không thể may gia công mãi”, ông Tuấn nói.

Trông đợi cơ hội mới

Biết là vậy nhưng đâu có dễ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đứng trước khó khăn, trở ngại, khiến họ lưỡng lự có nên đầu tư vào sản xuất vải ở Việt Nam không? Theo Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, để có 1 tỷ mét vải thì cần có khoảng 500ha đất và một nhà máy cung cấp nước với công suất khoảng 30.000m3/ngày đêm. Để có 9-10 tỷ mét vải/năm thì cần 4.500ha đất làm nhà máy và trồng bông sợi. Nhưng khó tìm nguồn đất.

Nan giải hơn, theo ông Vũ Đức Giang, đang có tình trạng một số địa phương (không phải tất cả), dị ứng với ngành dệt may, nhất là với hóa nhuộm, vì cho rằng dệt may là ô nhiễm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ thêm, từ trước tới nay, công nghệ dệt nhuộm ở ta chủ yếu là sử dụng nước, nhưng vừa rồi có một công ty của Hà Lan đang đầu tư ở Việt Nam muốn mang vào một loại máy nhuộm không dùng nước và xả thải, nhờ sử dụng khí CO2 để phun lên vải, sợi. “Nhưng địa phương lại không cho phép, vì không sử dụng… nước, không cho ra nước thải nên không cấp”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết và đề nghị bỏ ngay “giấy phép con” về cấm nhuộm ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương…

Ông Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, thống nhất về các thủ tục đầu tư, khuyến khích đầu tư, “trên cho mà dưới không cho thì doanh nghiệp biết làm sao?”.

Đề cập những thắc mắc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, thực ra khó khăn nhất của dệt may hiện nay là “đầu ra” cho vải. “Anh đầu tư vào vải, làm ra vải cho đất nước nhưng lại không bán được cho khâu may, bởi vì người ta không mua. Vì người ta phải mua theo chỉ định của khách hàng của người ta”, ông Trần Quốc Khánh nói.

Để đầu tư một nhà máy dệt, nhuộm là vài trăm triệu USD, nếu không có đầu ra sẽ phá sản ngay. Chúng ta cần có một thị trường lớn để nhà đầu tư nhìn thấy có lợi. Trước mắt, thị trường mới nhiều tiềm năng nhất của chúng ta chính là EU thông qua Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Đây sẽ là cú hích lớn.

“Khi chúng ta mới đang đàm phán Hiệp định CPTPP, đã có những nhà đầu tư lớn muốn đến Việt Nam vì nhìn thấy tương lai dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ. Nhưng khi Mỹ rút khỏi CPTPP vào năm 2017, không còn nhà đầu tư lớn nữa, đầu tư vào vải hiện đang chững lại”, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ. Đồng thời ông cho rằng, chỉ khi nào kim ngạch dệt may Việt Nam lên tới 25-30 tỷ USD thì không mời gọi cũng sẽ có doanh nghiệp vào đầu tư.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/